Bộ trưởng Tài chính nêu giải pháp “hạ nhiệt” giá vàng

18/03/2024 | 16:18 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần triển khai một loạt giải pháp thì mới giải quyết, ngăn chặn được tình trạng tăng giá vàng.

Sáng 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc ngành tài chính. Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, giá vàng trong nước tăng rất cao.

Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài Chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lĩnh vực này thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Với chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ Tài chính quản lý vùng biên giới để khi giá vàng hay giá USD tăng cao sẽ quản lý không để xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ vào Việt Nam.

Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ một số vụ vận chuyển ra nước ngoài như chuyển 1,6 tỷ USD sang Hàn Quốc, hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không.

Nêu giải pháp "hạ nhiệt" giá vàng và USD, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, cần phải triển khai đồng bộ loạt giải pháp. Chẳng hạn, với vàng liên quan đến cung cầu, xuất nhập khẩu, vậy có nhập khẩu vàng hay không, hay siết tình trạng mua bán như thế nào.

"Hay có lợi dụng tâm lý khi đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả, gửi ngân hàng lãi suất thấp thì dòng tiền này có chảy vào vàng hay không. Phải triển khai được một loạt giải pháp như vậy mới ngăn chặn được tình trạng tăng liên tục của giá vàng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết thêm: "Đồng USD thì thể hiện được sức mạnh của đồng tiền, tỷ giá hối đoái, tuy nhiên khi đồng tiền của Việt Nam hạ giá thì cũng có thể có lợi cho xuất khẩu".

Hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, tuy nhiên từ năm 2014 lại không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế. Từ đó, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC; cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Shaokai Fan là Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cũng bày tỏ, chắc chắn sẽ phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24/2012/NĐ-CP trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Bởi, bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Trước đó, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đưa ra đề xuất về giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý I/2024.

Theo Thùy Linh/VTV.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>