Thu hút học viên vào hệ giáo dục thường xuyên

16/07/2019 | 07:49 GMT+7

Khi các trường THPT bắt đầu tuyển sinh lớp 10 cũng là lúc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, vận động học viên vào học ở hệ giáo dục thường xuyên.

Học viên và gia đình đến tìm hiểu thông tin tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành.

Chủ động liên hệ với các trường THPT để lấy danh sách học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10, tập trung tư vấn cho các em chưa hoàn thành THPT… là cách đã và đang được các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện để thu hút học viên cho năm học mới 2019-2020. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy, nói: “Cứ chuẩn bị bắt đầu năm học mới, mấy trung tâm GDNN-GDTX chúng tôi lại tất bật đi tìm người học. Bên cạnh đợi kết quả tuyển sinh lớp 10 ở hai trường THPT trên địa bàn, để tập trung vận động những em không vào được trường THPT. Trung tâm đã thành lập các tổ tư vấn, tuyển sinh để phối hợp với các xã, phường xuống từng ấp, khu vực vận động đối tượng chưa ra lớp, chưa hoàn thành chương trình THPT… vào học ở trung tâm”.

Ngoài nhờ các ấp, khu vực trên địa bàn hỗ trợ trong công tác tuyển sinh Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy đã kết hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Thị đoàn Ngã Bảy, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép công tác tư vấn, phân luồng cho đối tượng là học sinh, đoàn viên, thanh niên… trên phạm vi toàn thị xã. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã nhận được khoảng 30 hồ sơ đăng ký theo học lớp 10 cho năm học 2019-2020.

Cũng quyết tâm tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao, cán bộ tuyển sinh của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, đã chủ động phối hợp với các trường THPT để xin gửi thông báo trúng tuyển vào hệ giáo dục thường xuyên cho các em học sinh không trúng tuyển vào trường THPT. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Thực hiện theo chỉ đạo phân luồng của tỉnh, dự kiến năm nay trên địa bàn có hơn 200 học sinh lớp 10 sẽ không vào trường THPT. Hiện tại, chúng tôi đang đợi xin danh sách các em này, để tư vấn cho các em vào học ở hệ giáo dục thường xuyên. Thường là khi biết mình không đậu vào trường THPT các em rất hụt hẫng, nắm bắt tâm lý đó, trung tâm sẽ gửi kèm thông báo trúng tuyển vào hệ giáo dục thường xuyên cho các em này, để các em có thể chọn sang học ở hệ giáo dục thường xuyên”. Để giúp người học có nhiều lựa chọn, hiện Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A kết hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, tư vấn cho học viên vừa học văn hóa và học nghề.

Còn ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, dù đã chủ động cho công tác tư vấn, tuyển sinh từ rất sớm, nhưng với thực trạng một số học sinh tốt nghiệp THCS đã bỏ địa bàn theo cha mẹ đi làm ăn, đang khiến cho trung tâm rất lo lắng cho năm học mới. Ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Địa bàn rộng, nên ngay khi cuối năm học, trung tâm đã liên hệ trực tiếp với các trường THCS, THPT để đến tư vấn, tuyển sinh ở hệ giáo dục thường xuyên, cũng mong sẽ có khởi sắc hơn mọi năm. Qua số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS khá đông, sau khi rút hồ sơ một số lượng lớn, các em không nộp xét tuyển vào lớp 10, mà đã theo gia đình đi làm ăn. Hiện tại, nhiều trường THPT trên địa bàn chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu, nên chúng tôi cũng lo năm nay không tuyển sinh được học viên lớp 10”.

Trong số học sinh tốt nghiệp THCS đã rút hồ sơ theo cha mẹ đi làm ăn này, có cả số lượng học sinh dự kiến sẽ không vào được các trường THPT. Đây cũng là đối tượng của hệ giáo dục thường xuyên sẽ tập trung hướng đến để tuyển sinh. Với tình hình này, năm học 2019-2020, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, sẽ khó tìm được nguồn học sinh đầu cấp.

Thực trạng khó khăn với nguồn tuyển sinh không chỉ riêng một địa phương, mà là vấn đề chung của nhiều nơi. Làm cách nào để thu hút người học, tăng số lượng học viên vào hệ giáo dục thường xuyên… đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích