Tháo “nút thắt” các dự án trọng điểm

18/04/2023 | 05:17 GMT+7

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đang tập trung tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Các ngành, địa phương quan tâm gỡ “điểm nghẽn” về mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm.

Giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn”

Sau cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban chỉ đạo) lần thứ 4 vào ngày 21-2-2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải tiếp tục khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong triển khai dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT). Các địa phương phối hợp với Bộ GTVT để tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng. Chủ động bố trí nguồn vốn để thực hiện chi trả, đền bù tại dự án Vành đai 4 Hà Nội. Đẩy nhanh các thủ tục đầu tư tại dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, rà soát quy mô đầu tư các dự án đường bộ cao tốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị quyết giải quyết vật liệu đắp cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020; đang hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác vật liệu xây dựng và triển khai phân bổ cát đắp nền cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại phiên họp thứ 5 mới đây, Ban chỉ đạo đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện 31 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với khoảng 73 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, gồm các dự án thuộc 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không. Trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Nam - Bắc, các dự án cao tốc trục Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội, đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” của các dự án, trong đó có cả việc giải phóng mặt bằng một số công trình nằm ngoài dự án nhưng vẫn phải di dời. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn bãi đổ thải là đất tạm phục vụ thi công và thực hiện thỏa thuận thuê, mượn đất, hoàn trả sau khi thi công, nhưng thực tế sẽ khó thực hiện được do việc đổ thải làm thay đổi vĩnh viễn hiện trạng sử dụng của khu đất, khác cơ bản so với các khu đất tạm bố trí lán trại, bãi đúc dầm.. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải thực hiện qua nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cấp, thời gian kéo dài; quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải thực hiện khá chi tiết ở bước chủ trương đầu tư sẽ rất khó cho việc xác định chính xác diện tích, loại rừng cần chuyển đổi…

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ GTVT để hoàn thành các thủ tục liên quan, đưa vào khai thác 3 tuyến cao tốc gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trước ngày 30-4-2023. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị xem xét cho 12 tỉnh, thành phố có dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua thực hiện ngay việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên (kể cả phần diện tích tăng thêm, phần diện tích sai khác vị trí), đáp ứng tiến độ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý II/2023, báo cáo số liệu để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023.

Các bộ, ngành Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp”, tăng cường trang thiết bị nhân lực vào các công trường.

Tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”

Trong phiên họp Ban chỉ đạo lần thứ 5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương 8 tỉnh, thành phố gồm: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục ngang, đã tích cực vào cuộc để triển khai các dự án, nhất là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Báo cáo với Chính phủ trong phiên họp Ban chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu cho biết: Tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1. Với sự tập trung quyết liệt của tỉnh nên đến thời điểm này, các bước triển khai dự án cơ bản đảm bảo theo các mốc thời gian yêu cầu tại Nghị quyết số 91 của Chính phủ và kế hoạch chi tiết của tỉnh, các khó khăn cũng đã được tỉnh phối hợp giải quyết.

Cụ thể, Sóc Trăng đã khởi công xây dựng khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5 tới. Tỉnh đã hoàn thành 100% công tác kiểm đếm và đang lập các thủ tục xác định giá để bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đơn vị tư vấn đang phối hợp cùng tư vấn thẩm tra, phấn đấu hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật - dự toán đối với đoạn khởi công trước, trình cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông - Vận tải trước ngày 20-4 để thẩm định.

Tại Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn gồm: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (qua địa phận tỉnh hơn 63km) và Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 (qua Hậu Giang khoảng 37km). 2 dự án này đáp ứng tốt tiến độ yêu cầu.

Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, đối với dự án thành phần 3, thuộc công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phê duyệt phương án bồi thường trong tháng 4-2023 và chi trả, bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng trong tháng 5-2023 để khởi công dự án. Riêng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hậu Giang, tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với các hộ dân còn lại để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho dự án để hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6-2023.

Đối với nhóm dự án đang thi công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp”, tăng cường trang thiết bị nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh, môi trường, không đội vốn bất hợp lý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đầu tư công là một trong các động lực tăng trưởng; thúc đẩy đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia về giao thông sẽ góp phần đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các dự án, giải quyết vướng mắc về thủ tục liên quan đến dự án, điều chỉnh các dự án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các dự án, Ban quản lý dự án.

Các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, bởi đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó. Phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công để tạo “tích cực kép”, đưa vốn vào nền kinh tế tạo động lực tăng trưởng trong lúc này. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Trách nhiệm thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết ngay, chống đùn đẩy; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết về thủ tục các dự án; tổng hợp các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất lúa, đất rừng, cơ chế, chính sách và các ưu đãi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Trong giai đoạn này, bố trí khoảng 400.000 tỉ đồng cho phát triển giao thông, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư công. Các công trình, dự án được phân bổ khắp từ Nam tới Bắc, với các dự án giao thông trục Bắc - Nam, Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội. Do vậy, cần thúc đẩy thi công đồng loạt các dự án để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong đó có các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế - xã hội.

 

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>