Gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội

11/04/2024 | 07:48 GMT+7

Phát triển nhà ở xã hội là việc làm ý nghĩa, giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”, tuy nhiên, rất cần sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Nhà ở xã hội ở Khu dân cư Thiên Lộc - Hậu Giang.

Còn lắm rào cản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252ha. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn; trong đó, 72 dự án hoàn thành với quy mô 38.128 căn, đã khởi công xây dựng 129 dự án với quy mô 114.934 căn, 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhất là trong tiếp cận đất đai; nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà…

Sở Xây dựng kiểm tra chất lượng mặt đường ở Khu nhà ở xã hội thấp tầng liền kề tại phường V, thành phố Vị Thanh.

Tại Hậu Giang, theo Sở Xây dựng tỉnh, do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, hơn nữa nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, trong thời gian qua ngân sách nhà nước chưa bố trí cho dự án nhà ở xã hội, việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà ở xã hội đang triển khai thực hiện (vốn nhà đầu tư), tổng quy mô 12,5ha với 1.149 căn nhà.

Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 338 ngày 03-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hậu Giang được giao chỉ tiêu tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành đến năm 2030 là 1.400 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 700 căn và giai đoạn 2026-2030 hoàn thành 700 căn.

Ngày 20-11-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 217 về việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, tổng số căn nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành đến hết năm 2030 là 1.574 căn. Theo kế hoạch sẽ triển khai 3 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 21,38ha.

Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho rằng, một số khó khăn với các dự án nhà ở xã hội hiện nay là thủ tục thực hiện cho dự án nhà ở xã hội (dự án có sử dụng đất) bị chi phối bởi nhiều luật làm mất nhiều thời gian, mỗi địa phương thực hiện mỗi cách khác nhau, chưa có nghị định thống nhất chung về trình tự thủ cho dự án nhà ở xã hội. Thủ tục mua nhà ở xã hội qua nhiều khâu xác minh thẩm duyệt, đối tượng mua nhà phải chứng minh về nhà ở dưới 10m2/người, thu nhập bình quân gia đình dưới mức đóng thuế thu nhập cá nhân và một loạt các giấy tờ khác cần xác nhận để đạt các tiêu chí theo quy định… Hồ sơ mua nhà phải được xác minh tại địa phương và qua thẩm định đối tượng tại Sở Xây dựng. Ngoài ra, do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách chưa được đầu tư, do đó chưa được sự ưu đãi từ nguồn ngân sách của địa phương…

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội mới đây, để tháo gỡ những rào cản cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng phù hợp.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.

Thủ tướng nhấn mạnh, những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.

Cùng với đó, tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỷ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt. Đồng thời, có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

Các doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh để kinh doanh nhà ở xã hội phù hợp tình hình, điều kiện người dân và lưu ý đến điều kiện khó khăn của họ, nhất là với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, công nhân thiếu chỗ ở...

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>