Phấn đấu hoàn thành sớm cao tốc, đảm bảo chất lượng, hiệu quả

22/06/2023 | 18:44 GMT+7

Với tinh thần khẩn trương, tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết, Chương trình hành động, đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững là một trong những nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ này; đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL được triển khai. Ngày 16-6-2022, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1, gồm 4 dự án thành phần, với chiều dài hơn 188km. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Đồng Văn Thanh (ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, về vấn đề này.

Ông có chia sẻ gì về việc tổ chức lễ khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1 ?

- Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo rất sát sao việc tổ chức lễ khởi công diễn ra vào ngày 17-6-2023. Các đơn vị đều có bước chuẩn bị đủ các điều kiện để cho lễ khởi công được thực hiện thắng lợi theo chương trình mà Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn.

Trong Nghị quyết 13 của Bộ chính trị cũng đã có nói, Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ: Điểm nghẽn quan trọng mà ĐBSCL bao nhiêu năm qua chưa được tháo gỡ đó là hạ tầng giao thông. Và cũng chính từ chưa tháo gỡ trong những năm qua nên kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL có phát triển nhưng chậm hơn so với các vùng khác.

Qua rà soát lại thì ĐBSCL còn nhiều tiềm lực để phát triển. Khi triển khai và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc này thì sẽ là cơ hội cho ĐBSCL cất cánh, vươn lên không những bằng một số tỉnh, thành trong cả nước mà có thể một số tỉnh, thành ĐBSCL sẽ vượt hơn sự phát triển một số tỉnh, thành khác trong cả nước.

Sau lễ khởi công, tỉnh sẽ tập trung vào những công việc nào để đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian tới ?

- Tổ chức lễ khởi công thì chúng ta mới chỉ làm được một số kết quả bước đầu trong triển khai và thực hiện dự án. Những nội dung còn lại cũng rất quan trọng mà phải tập trung chỉ đạo thực hiện. Đó là số hộ mà chúng ta thực hiện giải phóng mặt bằng tái định cư vẫn còn lại diện tích nhất định. Đối với Hậu Giang thì còn khoảng 16%. Các sở, ngành của tỉnh và các địa phương phải tiếp tục phối hợp để vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cho dứt điểm cho đơn vị thi công triển khai công việc.

Thứ hai, trong thực hiện giải phóng mặt bằng thì còn các đơn vị liên quan đến các kỹ thuật như: nước, điện, viễn thông nên phải tiếp tục thực hiện việc di dời cho nhanh để đảm bảo tiến độ. Cái này liên quan đến lập các thủ tục để giải phóng mặt bằng các công trình di dời, có nhiều thủ tục thì thời gian chậm. Nhưng chậm thì cũng phải quyết tâm làm cho sớm.

Thứ ba, một số hộ dân chưa có tái định cư kịp thời. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu định cư để đảm bảo đủ điều kiện cho bà con vào khu tái định cư, ở nơi có vị trí tốt hơn những nơi mà bà con đã sinh sống trước đây. Ngoài ra, khi chúng tôi giao những diện tích cho đơn vị thi công để triển khai trước một số nội dung thì chúng tôi chỉ đạo cán bộ chính quyền ở các địa phương và bà con nhân dân ở khu vực đó, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, phối hợp để đơn vị thi công thuận lợi nhất khi triển khai công việc của mình.

Chúng tôi cũng đã có những quy chế thống nhất với đơn vị thi công. Một là, đơn vị thi công và lực lượng công an phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình đơn vị thi công tại địa phương. Thứ hai, một số vấn đề khó khăn khác thì sự lãnh đạo của tỉnh, chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công có sự phối hợp rất chặt chẽ. Chúng tôi có những thông tin thường xuyên với nhau để kịp thời thông tin và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, các tỉnh trong vùng đang gặp khó nguồn vật liệu cát. Với vai trò là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3 đoạn đi qua tỉnh Hậu Giang, ông có chia sẻ gì về những giải pháp của địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn này ?

Khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn vật liệu cát vấn đề này chúng tôi cũng được đánh giá khi bắt đầu lập các thủ tục dự án. Cho nên chúng tôi cũng chủ động đăng ký làm việc với các tỉnh mà có nguồn vật liệu cát, đặc biệt là đối với tỉnh An Giang. Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với thành phố Cần Thơ để làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh An Giang và có sự thống nhất An Giang sẽ dành một khối lượng cát nhất định để hỗ trợ cho Hậu Giang triển khai tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với các tỉnh, thành khác để có thêm nguồn nguyên liệu cát phục vụ cho các tuyến đường cao tốc trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thí nghiệm cát biển sử dụng cho đường cao tốc. Chúng tôi mong rằng với việc sớm có kết quả này phục vụ cho đường cao tốc thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ khi triển khai các tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.

Ông có muốn chia sẻ thêm điều gì với độc giả của Báo Hậu Giang ?

Vùng ĐBSCL thời gian qua luôn được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm với nhiều quyết sách quan trọng; gần đây nhất là ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1, gồm 4 dự án thành phần, với chiều dài 188km có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, góp phần phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại; cải thiện năng lực cạnh tranh của Quốc gia nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng; dự án sẽ tạo ra không gian, nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai gần, dự án là nền tảng để các tỉnh trong khu vực kết nối với cảng biển quốc tế Trần Đề để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đi các nước trên thế giới.

Chúng tôi rất phấn khởi khi Chính phủ tập trung chỉ đạo để triển khai 2 tuyến đường cao tốc và cùng khởi công trong năm nay qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Với sự cố gắng, nỗ lực để 2-3 năm nữa, các tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng thì đây là lợi thế rất lớn, để cho Hậu Giang phát triển những tiềm lực của mình, sẽ kết nối được Hậu Giang là điểm trung tâm với các tỉnh Nam sông Hậu và cũng kết nối được với các trung tâm đô thị lớn.

Chúng tôi tin tưởng rằng sự thành công của các tuyến đường cao tốc là sự thành công của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>