Giải bài toán ngập lụt đô thị ĐBSCL

13/08/2023 | 13:43 GMT+7

Biến đổi khí hậu tác động nhiều mặt đến hệ thống đô thị ĐBSCL từ câu chuyện sạt lở, sụt lún, ngập úng đến ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân đô thị. Tình trạng này ngày càng đáng báo động, nếu không có những giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ.

Ngập đô thị, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

Bài 1: Ngập lụt đô thị ngày càng gia tăng

Nước biển dâng, sụt lún, thiếu không gian cho nước đã tạo điều kiện cho nước “xâm chiếm” nhiều đô thị tại ĐBSCL. Tìm giải pháp nhanh chóng tháo gỡ, “khơi thông” dòng nước là cách mà nhiều địa phương đang tích cực thực hiện.

Mưa lớn là ngập

Là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. Nhưng ĐBSCL cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng.

Theo dự báo, toàn bộ 13 tỉnh có nguy cơ ngập và có nguy cơ ngập cao. Trong đó, tỉnh Kiên Giang (80%), tỉnh Hậu Giang (80%), tỉnh Bạc Liêu (40-50%), tỉnh Sóc Trăng (25-30%), tỉnh Cà Mau (40-50%). Khu vực ngập sâu > 3m: thị xã là Châu Đốc và 8 thị trấn huyện lỵ với tổng dân số đô thị khoảng > 200 ngàn người. Khu vực ngập từ 2-3m: 6 thị trấn huyện lỵ với khoảng 80 ngàn người. Khu vực ngập từ 1-2m: có 18 đô thị, trong đó có 2 thành phố là Long Xuyên, Cao Lãnh, thị xã là Sa Đéc và 15 thị trấn huyện lỵ khác; khoảng hơn 700 ngàn người. Khu vực ngập nông < 1 m: 23 đô thị, trong đó có 3 thành phố là Cần Thơ, Rạch Giá và Mỹ Tho.

Một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao với tỷ lệ phần trăm diện tích ngập là: thành phố Rạch Giá (85-90%); thành phố Hà Tiên (85-90%) của tỉnh Kiên Giang; thành phố Vị Thanh (85-90%), thành phố Ngã Bảy (85-90%) của tỉnh Hậu Giang; thành phố Cà Mau của tỉnh Cà Mau (60-70%), thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (10-20%); thành phố Cần Thơ (5-10%), thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang (20-25%).

Điểm chung của nhiều đô thị ở ĐBSCL, trong đó, có thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang thời gian qua hễ mưa lớn là ngập. Điển hình như cuối tháng 7 vừa qua, những cơn mưa như trút nước, kéo dài đã làm cho nhiều tuyến đường ở các địa phương này ngập sâu trong nước. Ngoài việc mưa lớn, kéo dài thì việc ngập đô thị cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có việc hệ thống cống thoát nước chưa đảm bảo, thậm chí bị quá tải…

Lý giải nguyên nhân các đô thị trong vùng ĐBSCL thường xuyên bị ngập, ở góc độ chuyên môn, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, giải thích: “Thứ nhất, do nước biển dâng, dù tốc độ chậm, chỉ vài mm/năm nhưng tích lũy dần dần nhiều năm. Thứ hai, đồng bằng vẫn đang sụt lún vài centimet mỗi năm do khai thác nước ngầm quá mức. Thứ ba, thủy triều vào qua các nhánh lớn của sông Cửu Long không còn lan tỏa đi đâu được vì hai bên sông đều có đê cống chặn lại. Nước thủy triều chỉ chảy trong dòng chính nên mạnh hơn và dâng cao hơn trước đây”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng, không gian hấp thu lũ còn phân nửa cho nên nước lũ không vào được, không tràn đồng được. Nước xuống làm tăng ngập thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Trà Vinh và kích hoạt cuộc đua đê bao mấy chục năm nay. Ở vùng dưới này, vùng giữa đồng bằng để bảo vệ cây ăn trái, nơi nào cũng đắp đê bao. Thành phố không đắp đê bao cho nên thành phố bị ngập. Cần Thơ bị ngập là do thành phố này không có đê bao trong khi xung quanh đắp hết.

Chủ động ứng phó

Tại Hậu Giang, đến nay, tỉnh đã có 19 đô thị (1 đô thị loại 2, 2 đô thị loại 3, 16 đô thị loại 5), tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,75%. Các đô thị đều phát triển khá đồng bộ từ hình thái kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật. Các đô thị trung tâm đều phát triển nhanh, hài hòa, bền vững đã từng bước đáp ứng ngày càng hoàn thiện được các chỉ tiêu đô thị của tỉnh.

ĐBSCL bên cạnh thuận lợi, thì vùng đang phải đối diện với 5 thách thức lớn là sụp lún; sạt lở đất; ngập và xâm nhập mặn; thay đổi dòng chảy sông Mekong; khả năng cấp ngọt và tiêu thoát nước. Do vậy để quy hoạch, phát triển đô thị bền vững phải nhận diện những thuận lợi đồng thời nhận diện các thách thức.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Để từng bước cụ thể hóa các nội dung phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy. Dự án đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.211 tỉ đồng (tương đương 44,5 triệu euro), sử dụng nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh, thời gian thực hiện năm 2023-2026.

Với mục tiêu xây dựng thành phố Ngã Bảy thành đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm của tỉnh để đảm bảo xứng tầm phát triển là một trong các đô thị hạt nhân của tỉnh. Dự án đã được các bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan Phát triển Pháp (AFD) khảo sát thực địa tại thành phố Ngã Bảy vào ngày 17-7 vừa qua.

“Ý thức của người dân thì chúng tôi có thể làm chuyển biến tốt được trong thời gian ngắn. Nhưng về nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị rất lớn, phải từ nhà nước, kể cả từ các tổ chức quốc tế và cả những người dân hưởng thụ trong vấn đề này. Chúng tôi thấy rằng còn rất khó khăn. Và chúng tôi hướng đến tập trung làm sao huy động được tất cả nguồn vốn vào phát triển các khu đô thị Hậu Giang trong thời gian sắp tới”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Không chỉ Hậu Giang mà thành phố Cần Thơ cũng đã sớm triển khai kế hoạch thực hiện các chiến lược, chương trình về tăng trưởng xanh cùng chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mục tiêu chính là kịp thời trang bị và nâng cao nhận thức từng người dân, doanh nghiệp, chính quyền, nhà khoa học, cùng nhau xây dựng cho chính mình kế hoạch ứng phó để tồn tại và phát triển.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, cho biết: Đối với thành phố Cần Thơ, các vấn đề như tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu vừa là mối đe dọa, vừa tạo động lực liên kết mạnh mẽ với nhau chặt chẽ hơn. Thành phố đang được tài trợ vốn ODA thực hiện một số dự án liên quan đến thích ứng BĐKH như: Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó BĐKH thành phố Cần Thơ vốn vay từ AFD.

“Nâng cao những khu mới, còn những khu cũ, chúng tôi tính toán vấn đề khép kín để xử lý không cho nước tràn vào và sử dụng hồ điều hòa. Giải pháp của thành phố Cần Thơ hiện nay, chúng tôi đang thực hiện như thế. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện với các đồ án quy hoạch làm sao thích ứng với BĐKH, giảm thiểu rủi ro, tác hại của ảnh hưởng BĐKH đến đời sống người dân và sự phát triển của thành phố”, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, chia sẻ thêm.

Ngập lụt đô thị không còn là câu chuyện riêng của thành phố nào. Để khắc phục tình trạng này không phải là chi nhiều tiền cho các công trình xây dựng, mà cần khắc phục, thay đổi tư duy về ngập nước. Cần chuyển từ chống ngập triệt để sang điều tiết nước linh hoạt với các tính toán khoa học và thực tế, làm sao rút ngắn được thời gian ngập và mức ngập nông hơn, ít ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt hơn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Đối với tỉnh Hậu Giang, địa phương bám sát vào các định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và đặc biệt là bám sát vào phát triển kinh tế vùng, từ đó tạo liên kết vùng và định vị Hậu Giang có những thuận lợi và có thách thức gì. Quy hoạch của tỉnh vừa qua đã xác định xuyên suốt quy hoạch là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ và năm nhiệm vụ trọng tâm”. Tỉnh thực hiện làm sao để đô thị phát triển không làm xấu đi về tình trạng, thách thức mà còn giải quyết, khắc phục được 5 thách thức đối với vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang nhất là vấn đề sụp lún đất và sạt lở.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 2: Phát triển đô thị cần không gian trữ nước

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>