Điểm sáng trong giải phóng mặt bằng

29/11/2022 | 19:35 GMT+7

Với quyết tâm hoàn thành sớm tiến độ, bằng nhiều giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ, Hậu Giang đang đáp ứng đúng tiến độ 2 tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang qua địa bàn tỉnh.

Hậu Giang đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 tuyến cao tốc qua địa bàn.

Điểm sáng trong giải phóng mặt bằng

Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện, gồm Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ với chiều dài gần 64/110,93km, bằng 57% chiều dài của toàn đoạn. Có 2.067 hộ dân bị ảnh hưởng và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha. Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có 4 nút giao với Quốc lộ 1, Quốc lộ 61 và Đường tỉnh 930.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tính đến ngày 22-11, UBND các huyện đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 1.761/2.067 hộ, bằng 85,2% số hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau; kinh phí bồi thường 906,36 tỉ đồng; có 239 hộ được phê duyệt tái định cư với 296 nền. Có 2.067 hộ dân bị ảnh hưởng và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha.

Đến ngày 23-11, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tiến hành chi trả cho 1.512 hộ với số tiền là 801,18 tỉ đồng và đã bàn giao 296ha, tương đương 81,9% tổng diện tích đất phải thu hồi của dự án. Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 82,5%; Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 81%, đảm bảo mặt bằng khởi công, hoàn thành sớm hơn thời gian quy định theo Nghị quyết 18 và chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, hướng tới, sau khi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có ý kiến thỏa thuận phương án, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện thẩm định, phê duyệt tất cả các hộ bị ảnh hưởng của toàn dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15-12-2022 và tổ chức chi trả tiền bồi thường, bàn giao cơ bản xong mặt bằng đất nông nghiệp trong tháng 12-2022.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Lê Đức Tuân đánh giá cao công tác phối hợp của tỉnh trong thời gian qua, hiện nay đã hoàn thành trên 80% khối lượng giải phóng mặt bằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 18 đề ra (đến ngày 20-11 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để triển khai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau). Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị tỉnh cần đảm bảo tính liên tục của phần mặt bằng được bàn giao để triển khai dự án.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang được xác định là dự án thành phần 3, dài gần 37km. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ thống nhất lý trình, tọa độ điểm khớp nối vào dự án thành phần 2 và 4. Đảm bảo việc triển khai đồng bộ toàn dự án. Rà soát thỏa thuận về tĩnh không đường, cầu, cống, đường gom cho toàn bộ dự án. Sở Giao thông Vận tải đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án. Ngày 25-11-2022, Sở Giao thông Vận tải sẽ cùng với đơn vị tư vấn bảo vệ trước Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở; phối hợp với các sở, ngành và địa phương thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, khẩn trương bàn giao cọc giải phóng mặt bằng toàn tuyến; phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất để triển khai các thủ tục liên quan công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Dồn lực đảm bảo tiến độ chung

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, theo mốc thời gian quy định trong Nghị quyết 18 của Chính phủ (về triển khai Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025), Hậu Giang đã vượt tiến độ quy định. Kết quả này là sự nỗ lực chung của tất cả các đơn vị. Tỉnh đánh giá cao sự phối hợp của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kịp thời hỗ trợ giải quyết các vướng mắc phát sinh. Các huyện có dự án đi qua đã có nhiều nỗ lực trong triển khai, phối hợp hoàn thành các thủ tục và triển khai đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, thủ tục bồi thường hỗ trợ cho 4 khu tái định cư phục vụ cao tốc. Các huyện có dự án đi qua quản lý tốt mặt bằng, xem xét phạm vi xây dựng để quản lý chặt chẽ quy hoạch. Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với huyện khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giao thông Vận tải khẩn trương bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng phần còn lại để Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai các phần việc tiếp theo. Trên cơ sở các mốc tiến độ triển khai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đăng ký nhu cầu vốn triển khai thực hiện dự án.

Trong phiên họp với các bộ, ngành và địa phương vào trung tuần tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại các gói thầu Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2, căn cứ vào tình hình thực tế, từng đoạn, tuyến để khởi công các gói thầu vào ngày 31-12-2022. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương phối hợp chặt chẽ để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 3 tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, để kịp thời giải ngân nguồn vốn đầu tư phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chủ quản đầu tư, nhất là người đứng đầu địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi tiến độ, giao ban thường xuyên, khoa học, tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng ban quản lý dự án, nhà thầu, doanh nghiệp. Về giải phóng mặt bằng, các địa phương đẩy mạnh công tác tái định cư, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động, hỗ trợ người dân.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>