Thi đua góp sức xây dựng nông thôn phát triển

12/12/2023 | 07:40 GMT+7

Khép lại phong trào thi đua Chiến dịch giao thông - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn (chiến dịch) năm 2023, tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo mục tiêu quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, gắn với thủy lợi nội đồng, góp phần xây dựng nông thôn Hậu Giang thêm sáng, xanh, sạch, đẹp.

Mô hình mới trong chiến dịch năm nay, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, góp phần giúp diện mạo đường quê thêm sáng, xanh, sạch, đẹp.

Với yêu cầu bảo đảm chất lượng, số lượng, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức và lãng phí; tập trung hỗ trợ đầu tư các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiến lên xây dựng nông thôn mới nâng cao và khu dân cư (ấp) kiểu mẫu, Chiến dịch năm 2023 tạo được khí thế thi đua sôi nổi giữa các địa phương. Từ đó, kích thích được sự quyết tâm, đồng tình ủng hộ rất cao của Nhân dân trong chung tay, góp sức thực hiện đạt và vượt kế hoạch mà chiến dịch đã đề ra.

Ban Chỉ huy Chiến dịch huyện Châu Thành A thông tin, năm nay, chiến dịch tiếp tục tạo khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích không chỉ trong cơ quan, đơn vị mà còn lan tỏa ra toàn thể Nhân dân qua việc tích cực đóng góp sức người, sức của to lớn trong quá trình thực hiện. Qua thống kê, tổng kinh phí thực hiện Chiến dịch năm 2023 của huyện hơn 118,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 22,45 tỉ đồng, Nhân dân đóng góp 87,85 tỉ đồng, còn lại huy động nguồn lực xã hội 8,115 tỉ đồng.

Từ việc huy động sức dân, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A đã triển khai, thực hiện và được tỉnh công nhận 4 mô hình mới. Chẳng hạn như mô hình “Bờ kè sinh thái liền kề kết hợp trồng cây chống sạt lở gắn với tạo cảnh quan đẹp” dài 1km, kinh phí thực hiện 850 triệu đồng; “Nạo vét thủy lợi kết hợp kè sinh thái, trồng cây phòng, chống sạt lở, khai thông dòng chảy và bảo vệ môi trường” diện tích 7.200m2, ngang 8m, dài 0,9km, kinh phí thực hiện 350 triệu đồng.

Hay mô hình “Làm mới cầu giao thông nông thôn kết hợp đèn chiếu sáng trồng hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường” ngang 4m, dài 40m, tại kênh Út Chuột, ở ấp Trường Thuận, tổng kinh phí 620 triệu đồng. Quan trọng là 100% kinh phí xây dựng các công trình đều xã hội hóa. Đây cũng là đơn vị của huyện có mô hình mới nhiều nhất. Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã, nhấn mạnh: “Để vận động người dân tích cực tham gia thì cán bộ, công chức ở xã phải làm gương thực hiện trước”.

Vì vậy, để tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện mô hình “Tuyến đường đẹp lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng kết hợp kè sinh thái phòng, chống sạt lở, khai thông dòng chảy, trồng hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường”, bà Phạm Hồng Hạnh, công chức xã Trường Long Tây, tranh thủ ngày nghỉ cùng người dân địa phương dọn dẹp, vệ sinh để xây dựng đoạn đường đẹp dài 800m, rộng 3,5m dọc tuyến kênh 5.500, thuộc ấp Trường Thọ A.

Tổng kinh phí thực hiện mô hình 750 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây là 1 trong 4 mô hình mới trong Chiến dịch năm 2023 của xã. Bà Hạnh chia sẻ: “Tôi và các cán bộ, công chức ở xã, được giao mỗi người trồng và làm cỏ một đoạn đường trên tuyến thực hiện mô hình. Thấy được ý nghĩa của mô hình giúp cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng tới là nông thôn mới kiểu mẫu, nên tôi nhiệt tình hưởng ứng, tham gia thực hiện”.

Tương tự, trong chiến dịch năm 2023, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cũng thực hiện được 3 mô hình mới. Đáng ghi nhận là nhiều mô hình mới trong chiến dịch được triển khai, thực hiện hoàn thành từ nguồn vận động xã hội hóa. Tiêu biểu như mô hình “Kè sinh thái trồng cây phòng, chống sạt lở”, với diện tích 15.500m2, kinh phí hơn 3,1 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn huy động nguồn kinh phí xã hội hóa gần 3,6 tỉ đồng để xây dựng cầu, đường nông thôn trên địa bàn.

Nhờ đó, góp phần vào thành công chung của chiến dịch năm 2023 trên địa bàn xã. Trong đó, đường nông thôn xây mới 1.750m2, đạt 116% chỉ tiêu; cầu xây mới 432m2, đạt 720% chỉ tiêu trên giao. Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã, cho rằng: “Tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu ý nghĩa các công trình giao thông, thủy lợi là vừa giúp xã hoàn thành chỉ tiêu, vừa có lợi cho người dân. Khi thấy được lợi ích nên người dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện nhiệt tình”.

Kết thúc chiến dịch năm nay (2-9-2023), huyện Châu Thành A thực hiện 11 mô hình mới đề nghị tỉnh công nhận. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình mới hơn 6,5 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đáng ghi nhận là, ngoài thực hiện từ việc huy động tốt sức dân, mỗi công trình thuộc các mô hình mới năm nay của huyện còn đảm bảo mỹ quan, thiết thực với đời sống, nên sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đều góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Theo Ban Chỉ huy Chiến dịch tỉnh, xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải đi trước trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt là các ấp, khu vực vùng sâu, nên ngay từ khi phát động (1-2-2023), các địa phương xem đây là cuộc vận động lớn, toàn diện với sự tham gia của người dân trong việc duy tu, sửa chữa, đầu tư mới giao thông, thủy lợi, môi trường nông thôn; tạo cơ sở, tập trung cao điểm để chỉ đạo chiến dịch năm 2023 đạt kết quả cao nhất.

Trong đó, các địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng công trình chuyển tiếp, bức xúc, nâng cấp, sửa chữa công trình xuống cấp, chú trọng công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn, các công trình xã nông thôn mới được nâng chất bảo đảm ổn định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; kết hợp với việc huy động tối đa việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, vận dụng tính năng động, sáng tạo, sự chủ động tham gia trực tiếp của Nhân dân.

Chính sự đồng tình ủng hộ của người dân hiến đất, hoa màu và ngày công lao động trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã góp phần làm nên thành tích chung của tỉnh, khi tất cả các chỉ tiêu đề ra trong chiến dịch đều thực hiện đạt và vượt ở mức cao. Cụ thể về giao thông, có 81 tuyến đường được xây mới, với tổng chiều dài hơn 82km, đạt 360% kế hoạch và 134 cây cầu xây mới, với tổng chiều dài hơn 3,9km, đạt 434% kế hoạch giao.

Về thủy lợi khép kín mới 1.622ha, đạt 324,5% kế hoạch. Riêng việc trồng cây xanh và môi trường nông thôn, trong năm, trồng được hơn 42.000 cây xanh các loại, đạt 621,4% so chỉ tiêu giao; làm kè sinh thái với tổng chiều dài 207.582m, đạt 648,1% kế hoạch... Tổng kinh phí thực hiện trong chiến dịch của tỉnh hơn 489 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 267 tỉ đồng, chiếm 54,6%; còn lại từ nguồn huy động xã hội hóa trong Nhân dân và mạnh thường quân đóng góp.

Đánh giá cao sự đồng thuận của người dân trong thi đua chiến dịch, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng người dân tham gia chiến dịch rất lớn, nên tỉnh mong muốn các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào của tỉnh nói chung mạnh mẽ hơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng vào cuộc quyết liệt hơn trong việc ưu tiên một phần ngân sách để bố trí hỗ trợ, cùng người dân tham gia chiến dịch thời gian tới.

Ngoài ra, tập trung xử lý dứt điểm các dự án công trình còn lại đang dở dang, trong đó ưu tiên đầu tư vào các tuyến phục vụ mục tiêu để đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các địa phương khẩn trương rà soát nắm lại số lượng cầu, đường cần đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị cho chiến dịch năm sau trên cơ sở bám sát mục tiêu quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.

Kết quả thi đua chiến dịch năm 2023, huyện Châu Thành A đạt hạng nhất; huyện Châu Thành đạt hạng nhì; thành phố Vị Thanh và huyện Phụng Hiệp đồng hạng ba. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen để kịp thời ghi nhận, biểu dương đối với 4 địa phương này và các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thi đua chiến dịch năm 2023.

 

GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>