Nói đúng, trúng nguyện vọng của cử tri

08/12/2023 | 07:49 GMT+7

Trong Phiên họp thứ hai của Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh, đại biểu tham dự chia làm 4 tổ thảo luận các vấn đề quan trọng của kỳ họp. Với tinh thần trách nhiệm cao, tại các tổ thảo luận, đại biểu có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Không khí thảo luận tại các tổ đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, với nhiều ý kiến phát biểu, giải trình và tranh luận đi vào trọng tâm.

Đại biểu góp ý tại tổ.

Cần cải thiện lòng tin của người dân đối với y tế cơ sở

Tham gia ý kiến tại Tổ thảo luận số 2, bà Nguyễn Thị Tuyết Đông, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Ngã Bảy, cho rằng, năm 2024 chỉ tiêu người dân tham gia bảo hiểm y tế theo kế hoạch của UBND tỉnh là 94,81%, trong khi năm 2023 tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Ngoài ra, mức tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện tăng lên từ tháng 7-2023, dẫn đến khó khăn trong việc vận động.

“Vậy nếu như chúng ta tăng chỉ tiêu vận động nhưng không có những giải pháp cụ thể thì liệu tỷ lệ này có thể đạt hay không?”, bà Đông nêu vấn đề.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Thùy Dung, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho rằng việc tăng chỉ tiêu vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế là mục tiêu đáng phấn đấu. Tuy nhiên, về phía ngành y tế cũng cần có những nỗ lực, giải pháp tốt hơn để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm. Đặc biệt là các giải pháp phải thực hiện đồng bộ, cần cải thiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện lòng tin của người dân đối với y tế cơ sở thì người dân mới mạnh dạn tham gia bảo hiểm y tế.

“Hiện nay, chúng ta chỉ quan tâm nhiều về chỉ tiêu vận động, nhưng việc chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vẫn còn hạn chế, thì sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra”, bà Dung chia sẻ.

Cần giảm chỉ tiêu huy động học sinh nhập học

Tại Tổ thảo luận số 1, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Ngành giáo dục và đào tạo hiện rất băn khoăn về chỉ tiêu huy động học sinh các cấp còn cao, nhất là cấp tiểu học. Đề nghị xin điều chỉnh chỉ tiêu huy động học sinh tiểu học năm 2024 từ 62.800 xuống 60.000 học sinh. Bởi thực tế, đây là chỉ tiêu khó năm học vừa qua ngành chưa đạt. Về chỉ tiêu biên chế của ngành, tỉnh cần quan tâm, có cơ chế cho đặt hàng đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học để bổ sung nguồn tuyển cho tỉnh. Vì hiện nay còn biên chế nhưng không có nguồn để tuyển giáo viên 2 cấp học này”.

Ngoài ra, bà Hằng cũng đề xuất vấn đề định hướng cây trồng của người dân phù hợp; vấn đề ô nhiễm môi trường ở những bãi rác, lãnh đạo xem xét chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện nhà máy xử lý rác ở Hòa An - Phụng Hiệp.

Chia sẻ rõ về đề xuất này, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Đối với ngành giáo dục và đào tạo, năm 2023 giảm 196 biên chế, trong đó có 187 biên chế cấp huyện, 9 biên chế của sở. Khó khăn trong việc không có nguồn tuyển giáo viên 2 cấp học mầm non và tiểu học, ngành nội vụ rất chia sẻ và sắp tới sẽ tham mưu với Thường trực UBND tỉnh có điều tiết hợp lý để đảm bảo có học sinh, không thiếu giáo viên giảng dạy”.

Tăng trưởng kinh tế 7,5% là hợp lý

Bàn nhiều về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, bà Nguyễn Thị Tiếm, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, đề nghị: “UBND tỉnh nên làm rõ hơn về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024, giao chỉ tiêu theo kế hoạch 7,5%, có thấp hơn so với năm 2023 không trong khi hiện nay tỉnh đã đạt 12,27%. Vấn đề khó khăn trong thủ tục thành lập mới hợp tác xã, tỉnh cần có cơ chế phù hợp để các hợp tác xã có thêm điều kiện phát triển phù hợp”.

Với đề nghị này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh các ý kiến góp ý của các đại biểu chia sẻ, “hiến kế” rất tâm huyết. Tất cả các ý kiến đều hướng về mục tiêu chính là làm sao triển khai phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh năm 2024 đạt kết quả cao hơn năm 2023.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, với đề xuất tỉnh nên có quy hoạch định hướng nuôi trồng cây con gì phù hợp tình hình thực tế, tăng năng suất cây trồng, nội dung này hiện tỉnh đang chờ bản đồ thổ nhưỡng hoàn thành, khi đó tỉnh sẽ có cơ sở cụ thể, lập kế hoạch khuyến cáo người dân khu vực nào nên trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp.

 Riêng về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024, chỉ 7,5%, lý do vì tình hình suy thoái chung của thế giới và khu vực hiện nay, dự kiến sẽ ảnh hưởng khá lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, nguy cơ giảm đơn hàng sẽ rất nhiều. Hậu Giang 2 năm qua đã dồn sức vào phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, nhất là việc đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã góp phần lớn tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 năm qua.

“Tuy nhiên năm 2024, nhiều dự án sẽ hoàn thành nên ước tăng trưởng kinh tế 7,5% là hợp lý, không thấp hơn so với điều kiện thực tế hiện nay”, ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh.

Về đề xuất xây cầu Mười Ba Ngàn

Rất hoan nghênh tỉnh trong việc đầu tư tuyến đường tuyến Nam Xà No, qua đó giúp người dân giao thương dễ dàng, cử tri Nguyễn Văn Huy, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Hiệu quả tuyến Nam Xà No chúng tôi thấy rõ. Tuy nhiên, rất mong tỉnh quan tâm đầu tư thêm dự án cầu vượt sông Mười Ba Ngàn, bắc qua tuyến Quốc lộ 61C, đầu tư cầu này sẽ giúp phát triển kinh tế mạnh cho tuyến Bắc Xà No.

Ngoài ra, ông còn đề nghị tỉnh rà soát, đánh giá hiệu quả các trạm bơm hiện nay trong toàn tỉnh.

Ông Trương Cảnh Tuyên giải trình: “Cầu Mười Ba Ngàn tỉnh đã đưa vào danh mục đầu tư BOT nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư, đầu tư xã hội hóa chưa được. Thời gian tới, tỉnh sẽ có tính toán giao ngành giao thông nghiên cứu đề suất đầu tư xây dựng phù hợp”.

Riêng đánh giá đề án đầu tư các trạm bơm, năm 2020, tỉnh có tổng kết, kết thúc đề án. Từ ý kiến cử tri, tỉnh sẽ giao ngành nông nghiệp có văn bản đề nghị các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát thực trạng, đánh giá các trạm bơm hiện nay.

Những ý kiến góp ý, “hiến kế” tâm huyết, trách nhiệm sẽ là nền tảng vững cho tỉnh hoạch định phù hợp, sát thực tế hơn, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển, khuyến khích, thu hút đầu tư một số lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu cấp bách như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, phát triển nhà ở xã hội, nông nghiệp bền vững,…

CAO OANH - ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>