“Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ĐBSCL”: Phát huy nguồn lực văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho phát triển

29/09/2023 | 14:50 GMT+7

 (HGO) – Thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, chương trình hành động về phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong khuôn khổ Chương trình Phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045 – SDMD 2045, do Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) chủ trì, cuối tuần qua đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ĐBSCL”.

Tham dự có đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Tổ chức JICA Việt Nam, CSIRO – Úc; sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình bày Chiến lược Phát triển ngành du lịch ĐBSCL.

Trong khuôn khổ của tọa đàm, đại biểu tham dự được nghe các tham luận về con người và văn hóa ĐBSCL – đặc trưng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng; phát triển kinh tế xã hội hài hòa với văn hóa và môi trường – động lực cho phát triển bền vững; hài hòa đa dạng văn hóa – nền tảng cho phát triển bền vững; Chiến lược phát triển ngành du lịch ĐBSCL…

 Thảo luận, đề xuất xoay quanh các nội dung về vai trò và động lực của ĐBSCL trong phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa; bức tranh du lịch ĐBSCL và cơ hội hợp tác phát triển; đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa – xã hội nhân văn ĐBSCL…

Quang cảnh tọa đàm.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho rằng, văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước, đồng thời cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá phát triển bền vững. Quan điểm đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. ĐBSCL là vùng đất có bản sắc văn hóa đa dạng, được kiến tạo, gìn giữ bởi cộng đồng các dân tộc sinh sống tại 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phát huy nguồn lực văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho phát triển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa đồng bằng châu thổ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Xác định văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển bền vững, các địa phương ĐBSCL khai thác tối ưu tiềm năng, phát triển đồng bộ văn hóa với kinh tế - xã hội…

Dịp này, Trường ĐHCT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐHCT và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ký kết thỏa thuận hợp tác.

Tin, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>