Truyền thông chính sách - Xây dựng niềm tin của người dân với Chính phủ

25/11/2022 | 07:22 GMT+7

(HG) - Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào chiều ngày 24-11. Tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các sở, ban, ngành và địa phương cùng tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHINHPHU.VN

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác truyền thông chính sách thời gian qua được thực hiện với nhiều phương thức: báo chí, cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội, các kết luận, chỉ thị, công điện...

Theo khảo sát ở 59 bộ, ngành, địa phương, đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông, 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách.  Cả nước hiện có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự, phát huy hiệu quả rất lớn trong công tác truyền thông chính sách, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các sinh hoạt chính trị quan trọng... Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ...

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến truyền thông chính sách tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.

Tại hội nghị lần này, đại biểu được nghe các tham luận về: Truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển; Tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, định mức biên chế công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách; Công tác triển khai Quyết định số 407 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách của các cơ quan báo chí; kinh nghiệm truyền thông chính sách của một số địa phương...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, truyền thông chính sách là hoạt động truyền thông quan trọng của Đảng, Nhà nước. Chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Vì vậy, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Xây dựng chính sách phải hướng đến người dân và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Công tác truyền thông phải đến được với người dân. Trong thời gian tới, từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng, vai trò vị trí của công tác truyền thông chính sách. Tập trung hành động quyết liệt, nỗ lực, cố gắng làm tốt công tác truyền thông chính sách đến với người dân. Chủ động đổi mới tư duy cách nghĩ, cách làm về công tác truyền thông chính sách sát với tình hình thực tế. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo tạo điều kiện để mọi người cùng tham gia vào công tác truyền thông chính sách. Đẩy mạnh tuyên truyền truyền thông chính sách trên các phương tiện truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách...

Tin, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>