Đề xuất nhiều giải pháp trong bình ổn và thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam

04/08/2023 | 17:41 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 4-8, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo. Tham dự có ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; cùng gần 200 đại biểu đến từ một số bộ, ngành liên quan của Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (hiệp hội), thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và ngành công thương, nông nghiệp một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Hồng Diên (đứng), Bộ trưởng Bộ Công thương, đề nghị cơ quan liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt việc tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.

Bộ NN&PTNT cho biết, ước sản lượng lúa cả năm nay đạt trên 43 triệu tấn. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi thì Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Theo ước tính của cơ quan liên bộ, đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ. Về giá bán gạo, đến ngày 1-8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị.

Tuy sản xuất trong nước và xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi; tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam thì đến giữa tháng 7 vừa qua, thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp. Cụ thể, lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường như: Ấn Độ, UAE, Nga đã gây tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu, trước mắt là ảnh hưởng đến 140 quốc gia trên thế giới; đồng thời hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực… Từ những diễn biến trên nên dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.

Nông dân Hậu Giang tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao trong canh tác để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành Trung ương, địa phương và hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã trao đổi, rà soát, đánh giá yếu tố bất lợi khí hậu El Nino tác động đến tình sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm, cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo còn đề xuất với ngành chức năng có liên quan của Trung ương, địa phương về các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua thóc, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch để nâng cao hiệu quả xuất khẩu; đồng thời tăng cường mối liên kết sản xuất giữa người trồng lúa với doanh nghiệp và định hướng việc sử dụng giống lúa trong canh tác để tạo thuận lợi trong xuất khẩu;…

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2023, cũng như trong dài hạn thì các bộ, ngành Trung ương, địa phương, hiệp hội và thương nhân xuất khẩu gạo cần tích cực phối hợp với Bộ Công thương thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trọng tâm như: duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi trong giao thương, bảo đảm xuất khẩu gạo có hiệu quả;…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>