Cơ bản không thiếu vật liệu cho dự án cao tốc trong năm 2023 và đầu năm 2024

06/09/2023 | 07:43 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 5-9, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Đoàn công tác đã làm việc với các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL. Phía tỉnh Hậu Giang tham dự có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), khu vực ĐBSCL gồm 4 dự án trọng điểm với tổng chiều dài 355km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỉ đồng. Tổng nhu cầu đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án. Đối với vật liệu cát, theo số liệu khảo sát đến thời điểm hiện tại, nguồn cát sông đảm bảo chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua, trong đó trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng là các tỉnh có nguồn cát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các dự án.

Quang cảnh buổi làm việc.

Để đảm bảo đủ nguồn cát đắp cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giao chỉ tiêu cho các tỉnh An Giang (7 triệu m3, trong đó năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp (7 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3); Vĩnh Long (5 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3) ưu tiên bố trí ngay cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá, tại ĐBSCL, công tác triển khai giải phóng mặt bằng rất tốt và được xem là tốt nhất trong các khu vực. Tuy nhiên, nguồn vật liệu rất khó khăn, giai đoạn 2 thực hiện rất quyết liệt. Chưa bao giờ miền Tây quan tâm như trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt bố trí nguyên vật liệu cho các dự án. Cơ bản không thiếu vật liệu trong năm 2023 và đầu năm 2024, đó là nhờ sự nỗ lực rất lớn của 3 địa phương cung cấp cát cho các dự án. Cát dành cho các dự án cao tốc thấp hơn rất nhiều trữ lượng cấp phép, nếu làm càng chậm sẽ ảnh hưởng đến công trình.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề là có những dự án khai thác với quy mô lớn với tình hình, điều kiện về tự nhiên, môi trường đã thay đổi cần phải có đánh giá tổng thể. Cho đến hiện nay, tài nguyên về cát đã được tính toán, chỉ vướng ở chỗ là thiếu về sự phối hợp, năng lực khoa học, kỹ thuật đánh giá những vấn đề lớn, phức tạp… để không xảy ra sự cố.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bài toán xa hơn hiện nay còn những vấn đề gì các địa phương băn khoăn, chưa an tâm thì Phó Thủ tướng sẽ có ý kiến trả lời lại bằng văn bản. Nhà thầu có quyền lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, năng lực đầu tư và cần nên phối hợp với địa phương thực hiện tốt dự án. Trong tháng 9, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp với sự hỗ trợ của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành các thủ tục khởi động lại các dự án mới, nằm trong doanh mục hồ sơ được khai thác phục vụ đường cao tốc, các dự án hết hạn, nâng công suất phải ưu tiên cho cao tốc. Bộ GTVT nên có tổ công tác do đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cử các đồng chí, các nhà tư vấn, khoa học… để thực hiện.

Tin, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>