Rạp cưới lấn chiếm lòng đường: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông

15/01/2024 | 07:57 GMT+7

Gần tết, cũng là thời điểm vào mùa cưới, tình trạng một số người dân có nhà ở dọc theo các tuyến lộ lấn chiếm lòng, lề đường để dựng rạp cưới, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, gia đình, khách mời dự tiệc.

Rạp cưới lấn chiếm hơn 2/3 lòng đường Tỉnh lộ 928, tại ấp Phú Khởi gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Mới đây, phóng viên ghi nhận hình ảnh một rạp cưới lấn chiếm hơn 2/3 lòng đường Tỉnh lộ 928, thuộc ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Mang hình ảnh cho ông Lư Văn Sĩ, Chánh Thanh tra, Thanh tra Giao thông vận tải tỉnh xem, ông nói: “Như ảnh rạp cưới phóng viên ghi nhận thì chắc chắn không đảm bảo an toàn giao thông. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không bao giờ cấp phép cho người dân dựng rạp cưới lấn chiếm gần hết lòng đường tỉnh lộ như vậy. Nếu có cấp phép, thì chỉ là một phần nhỏ của lòng đường nhưng khi đó phải có đèn hoặc tín hiệu cảnh giới an toàn giao thông kể cả đêm và ngày”.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (khoản 1, Điều 36), nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội theo quy định tại khoản 1, Điều 35. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang đường bộ để dựng rạp cưới lâu nay thấy nhiều. “Thời gian qua, đối với các cơ quan chức năng từ tỉnh đến địa phương đều có tổ chức tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó có liên quan đến nội dung xử lý lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là hành lang an toàn giao thông (ATGT) thực hiện rất nghiêm theo Nghị định 11 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Công tác tuyên truyền là thường xuyên, liên tục, qua đó hy vọng nâng cao nhận thức của người dân. Tổ chức, cá nhân khi muốn sử dụng vỉa hè hoặc một phần lòng đường tạm thời để che rạp cưới, tiệc mừng,… trước khi thực hiện phải có xin phép, báo đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương”, ông Lư Văn Sĩ nói thêm.

Thấy đường rộng, một số người dân tự dựng rạp cưới dưới lòng đường không xin phép, đối với những trường hợp này, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo quy định, một là phải buộc di dời, tháo dỡ ngay, hai là phải xử lý theo điểm a, khoản 5, Điều 12 Nghị định 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Sĩ: “Thực tế trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng chưa xử lý hành chính trường hợp nào về hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông để dựng rạp cưới mà phần lớn các trường hợp lấn chiếm lòng đường dựng rạp cưới đều được phát hiện kịp thời, ngăn chặn ngay và buộc di dời, tháo dỡ. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở, có xử lý theo hướng không để cản trở lưu thông của phương tiện và người tham gia giao thông”.

Có thể bỏ qua những bất tiện, phiền hà vì đó là ngày vui của người quen, láng giềng, chung xóm hoặc không quen biết.

Điểm a, khoản 5, Điều 12 Nghị định 100 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này. Đồng thời, theo quy định tại điểm đ, khoản 10, Điều 12 thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, còn bị buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Ông Mai Hồ Duy Phong, người dân ấp Thị Tứ, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, là tài xế xe dịch vụ hay đi qua tuyến đường Tỉnh lộ 928, chia sẻ: “Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý, không để người dân dựng rạp cưới dưới lòng đường giao thông, hiện nay lưu lượng xe tham gia giao thông rất nhiều, dựng rạp cưới lấn chiếm lòng đường sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông vì tầm nhìn bị che khuất, đường bị thu hẹp mà người và phương tiện lại đông nên rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu gia đình không có sân, đất trống để dựng rạp cưới thì nên tổ chức ở nhà hàng để đảm bảo an toàn cho gia đình, khách mời và người tham gia giao thông”.

Giải quyết thực trạng trên, chính quyền địa phương cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để những người dân do nhà không có mặt bằng hay có nhưng rất chật hẹp đến các địa điểm nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng,… để tổ chức tiệc cưới. Lực lượng chức năng cần căn cứ vào quyền hạn, trách nhiệm của mình có biện pháp giảm thiểu, xử lý các vi phạm trên để môi trường giao thông được đảm bảo an toàn.

Ông Lư Văn Sĩ: “Phân cấp, tuyến đường thuộc nội ô cấp xã thì trách nhiệm người thẩm định, xem xét chấp thuận hay không chấp thuận. Những tuyến đường thuộc phạm vi cấp huyện quản lý, khi người dân có yêu cầu sử dụng tạm thời thì phải có đơn xin phép gửi đến Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Hạ tầng kinh tế để xem xét nếu đủ điều kiện thì cấp phép hoặc từ chối cấp phép khi không có đủ điều kiện. Nếu tuyến đường theo phân cấp tỉnh quản lý thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, trực tiếp là Sở Giao thông vận tải”.

 

Bài, ảnh: BẢO LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>