Rạn nghĩa xóm, vỡ tình làng

27/03/2024 | 07:45 GMT+7

Người xưa có câu “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, vậy mà, đôi khi xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, không ít láng giềng đã quên đi nghĩa xóm, tình làng để rồi dẫn đến kết cuộc buồn...

Bị cáo Đ. đứng trước tòa.

Gia đình anh L.V.Đ. (sinh năm 1990) và ông T.T.A. (sinh năm 1979) vốn là hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” ở ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, chỉ vì hai nhà bất hòa chuyện ranh đất, nên mâu thuẫn phát sinh âm ỉ, dù hai bên đã cố hòa giải nhiều lần.

Mâu thuẫn xuất phát kể từ ngày 13-8-2022, khi ông A. thuê người làm hàng rào tại phần đất của ông ở ấp Tân Phú B1. Lúc này, ông L. (cha của Đ.) đi lại chỗ ông A. phản ứng vì cho rằng, nhà ông A. làm hàng rào nhưng không chừa lối đi cho gia đình mình, hai bên lời qua tiếng lại.

Đ. đứng gần đó nghe thấy ông A. cãi với cha, liền nổi máu côn đồ cầm dao Thái Lan chạy lại nơi ông A. đứng, đâm về hướng ông A. nhiều cái nhưng không trúng. Sau đó, Đ. rượt đuổi và dùng tay đánh vào đầu ông A. Dù bị thương tích chỉ 1% nhưng bị hại A. kiên quyết yêu cầu khởi tố người hàng xóm hung hăng của mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm do Tòa án nhân dân tỉnh xét xử mới đây, Đ. phân trần: “Tại bị cáo nóng giận quá nên không làm chủ được bản thân mình. Sau đó nghĩ lại, bị cáo hối hận dữ lắm”.

Hội đồng xét xử phân tích: “Bị cáo là người đã trưởng thành và có gia đình, lẽ ra phải suy nghĩ chín chắn hơn. Bà con chòm xóm với nhau, dĩ hòa vi quý thì đâu có cớ sự gì xảy ra”.

Đ. đáp: “Dạ, lúc đó nghe chú A. cãi nhau với cha bị cáo, nên bị cáo bực quá, chứ bị cáo cũng không có chủ ý gây thương tích cho chú A.”. Hội đồng xét xử hỏi: “Không chủ ý mà bị cáo cầm dao rượt người ta?” Đ. cúi đầu im lặng tỏ vẻ ăn năn.

Một vị hội thẩm nhẹ giọng hỏi bị hại: “Bị cáo Đ. cũng đã nhận phần lỗi và chấp nhận bồi thường. Hoàn cảnh của bị cáo cũng khó khăn. Thôi thì hai bên thỏa thuận nhường nhau một chút vì tình nghĩa xóm làng, bị cáo Đ. bồi thường, thì bị hại có xem xét rút đơn yêu cầu xử lý hình sự hay không?”.

Nghe vậy, ông A. thoáng hiện nét đắn đo, suy nghĩ một lúc, song ông A. vẫn quyết không đồng tình, nhắc đi nhắc lại: “Tòa sơ thẩm xử tội sao thì để vậy, tôi chỉ đề nghị tòa giảm nhẹ chứ nhất quyết không rút yêu cầu khởi tố”.

Vị hội thẩm đau đáu: “Người xưa có câu “Một điều nhịn, chín điều lành”, huống hồ hai bên là hàng xóm, láng giềng, càng phải hòa nhã với nhau. Bị cáo đã hối hận và có thành ý bồi thường thiệt hại, nên chăng bị hại cho bị cáo một cơ hội?”.

“Thưa tòa không”, bị hại A. một mực khẳng định.

Từ đầu buổi đến khi tòa nghị án, cả hai người ngồi ngang nhau một hàng ghế, nhưng đều với ánh mắt sắt lạnh, chẳng khác gì kẻ thù của nhau, dù hai gia đình là hàng xóm “tối lửa tắt đèn” với nhau đã lâu năm.

Đến giờ nghị án, bị cáo Đ. ngoái nhìn về phía bàn bị hại, với khuôn mặt hối lỗi, cất giọng khẩn thiết bị hại rút lại đề nghị xử lý hình sự để có thời gian chăm sóc vợ con. Đáp lại, bị hại vẫn với thái độ kiên quyết yêu cầu tòa xử đúng người, đúng tội.

Kết thúc phiên xử phúc thẩm, tòa tuyên bác kháng cáo, buộc bị cáo Đ. chấp hành bản án 5 tháng tù giam…

Ít tháng trước, chắc Đ. chẳng thể nào nghĩ rằng chỉ một phút nông nổi vì mâu thuẫn từ chuyện làm hàng rào, mà nay mình lại là người có tội.

Những người trong xóm nói, ngày trước, họ luôn là chòm xóm tốt của nhau, có miếng ngon, ly rượu họ vẫn luôn í ới gọi nhau. Vậy mà, giờ vì chuyện cái hàng rào mà xóm giềng trở nên xa cách.

Bài, ảnh: BẢO BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>