Ngành kiểm sát Hậu Giang ngày một trưởng thành hơn

23/07/2020 | 19:23 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Khải (ảnh), Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, khi trả lời phỏng vấn Báo Hậu Giang nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020) và chặng đường xây dựng, trưởng thành của ngành kiểm sát Hậu Giang 16 năm qua (2004-2020). Ông Khải cho biết:

- Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện KSND trong bộ máy Nhà nước. Trải qua 60 năm tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Nhân dân giao, ngành KSND đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, đáp ứng sự nghiệp đổi mới và yêu cầu cải cách tư pháp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân.

Ngành kiểm sát Hậu Giang được thành lập cùng với việc thành lập tỉnh Hậu Giang vào tháng 1-2004. Đội ngũ cán bộ của ngành khi mới thành lập chỉ có mấy chục người, phần lớn từ Cần Thơ về; cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động hầu như chưa có gì. Với sự quyết tâm cao của tập thể và cá nhân, viện KSND hai cấp trong tỉnh đã sớm vượt qua khó khăn, đoàn kết, ổn định bộ máy, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Đến nay, Viện KSND Hậu Giang đã có 7 phòng nghiệp vụ và 8 viện KSND huyện, thị, thành với 153 cán bộ, kiểm sát viên, người lao động. Các cán bộ làm công tác chuyên môn đều tốt nghiệp đại học, trên đại học và được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát. Đội ngũ kiểm sát viên đang ngày một trẻ hóa, có bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông đánh giá gì về chất lượng kiểm sát, hoạt động chuyên môn của ngành qua từng năm ?

- Có thể thấy, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Viện KSND Hậu Giang đã quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, công tác kiểm sát cũng được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nên không xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ án viện kiểm sát xử lý và truy tố hàng năm đều đạt cao, năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ trọng án, án phức tạp, án dư luận quan tâm được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản trong Nghị quyết của Quốc hội, của ngành kiểm sát nhân dân đều được thực hiện nghiêm túc, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt yêu cầu...

Đâu là những hạn chế của ngành cần khắc phục, thưa ông ?

- Tôi cho rằng vẫn còn một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đôi lúc, chưa theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra, dẫn đến một số vụ án thời hạn điều tra kéo dài; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Hiện nay, phần lớn các kiến nghị về những vi phạm, thiếu sót chủ yếu trong từng vụ việc cụ thể nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên ngành kiểm sát Hậu Giang hiện nay như thế nào, thưa ông ?

- Trong những năm qua, chúng tôi đã chú trọng kiện toàn và cơ bản đảm bảo đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt viện KSND hai cấp; kịp thời đề nghị bổ nhiệm các chức danh đối với cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên ở tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Hiện nay, hai cấp kiểm sát Hậu Giang có 123 cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học chiếm 98% (có 2 thạc sĩ luật); trung cấp chiếm 2%. Về chức danh tư pháp có 1 kiểm sát viên cao cấp, 38 kiểm sát viên trung cấp, 48 kiểm sát viên sơ cấp và 18 kiểm tra viên. Về trình độ chính trị, cử nhân và cao cấp có 31 đồng chí, trung cấp 23 đồng chí.

Hàng năm, Viện KSND tỉnh đều xây dựng kế hoạch đưa đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường công tác tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với viện KSND hai cấp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trong thời gian tới, cán bộ, kiểm sát viên, người lao động ngành sẽ tiếp tục phấn đấu, cống hiến như thế nào cho công tác tư pháp để có thể xứng đáng với lời Bác dạy: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”, thưa ông ?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát theo quy định; tích cực cùng các cơ quan tư pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Song song đó, đơn vị cũng tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, để thực hiện tốt chức năng này đòi hỏi phải chú trọng cả hai mặt là “không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm”; đề cao và tuân thủ nguyên tắc tư pháp dân chủ, pháp quyền đã được Hiến pháp quy định, bảo đảm mọi quyết định của các cơ quan tố tụng có căn cứ, đúng quy định. Làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để chủ động tham mưu cấp ủy đảng và kiến nghị với các ngành hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu - đó chính là trách nhiệm chính trị của ngành trước Đảng, trước Nhân dân.

Bên cạnh đó, hơn bao giờ hết, cán bộ, công chức viện KSND hai cấp càng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm lời dạy của Bác. Cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn. Mỗi cán bộ, công chức ngành kiểm sát Hậu Giang phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự trở thành chỗ dựa của công lý cho Nhân dân .

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !

ĐÌNH BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>