Luật Lâm nghiệp năm 2017 có gì mới ?

12/09/2018 | 09:27 GMT+7

Trên cơ sở kế thừa Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định nhiều điểm mới về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh hỗ trợ cây giống cho người dân phát triển rừng. 

So với Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 bổ sung 4 chương, bao gồm: chế biến, thương mại lâm sản; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

Trong đó, chế biến và thương mại lâm sản được xem như một thế mạnh trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp; khẳng định chế biến lâm sản không phải là ngành kinh doanh có điều kiện.

Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản. Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.

Về hình thức sở hữu, luật quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng là: rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Đồng thời, mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo.

Do rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Luật cũng quy định về hình thức cho thuê rừng, thay thế cho việc giao rừng có thu tiền sử dụng rừng.

Theo đó, Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng. Nhà nước cũng sẽ bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Về tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp, luật đổi mới quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm - quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này linh hoạt với yêu cầu của thực tiễn hoạt động lâm nghiệp.

Đối với kiểm lâm, luật còn bổ sung quy định cụ thể hơn về một số cơ chế, chính sách, đồng thời thêm thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả hơn.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với rừng gồm: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; nghiêm cấm hành vi đưa chất thải, hóa chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng; cấm hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng…

Đối với việc đóng và mở cửa rừng tự nhiên, luật yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; bảo đảm công khai và minh bạch; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

Luật đề cập vấn đề xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng…

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Kiểm lâm bị thương, hy sinh được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ

Khoản 2, Điều 106 Luật Lâm nghiệp năm 2017: Kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ sẽ được công nhận và được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng. 

Theo luật này, kiểm lâm được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Đồng thời, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trong thi hành công vụ; xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, cũng như khởi tố, điều tra vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

 

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>