Ấn tượng kết quả thi đua thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến”

16/11/2023 | 09:20 GMT+7

Kết thúc Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) phát động, các cấp công đoàn trong tỉnh tạo nên thành tích với kết quả thi đua ấn tượng, khi Hậu Giang trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất toàn quốc về số lượng sáng kiến tham gia.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trao bằng khen của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam cho đại diện các tập thể.

Cụ thể, khép lại chương trình, toàn tỉnh có 69.649 sáng kiến đã đăng nộp, đạt 1.392,9% chỉ tiêu kế hoạch đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với kết quả đạt được, Hậu Giang đứng thứ 7 cả nước và dẫn đầu Cụm thi đua 12 LĐLĐ tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng sáng kiến tham gia. Đây là kết quả thiết thực từ sự quyết tâm, nỗ lực và tham gia nhiệt tình của các cấp công đoàn thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

Thành quả của sự nỗ lực cao, quyết tâm và sáng tạo

Theo ông Lê Thanh Phú, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Chương trình “1 triệu sáng kiến” được phát động trong thời gian dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội đang dần thích nghi với trạng thái bình thường mới, người lao động trở lại làm việc sát cánh cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh lao động sản xuất, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sau đại dịch, một số doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tình hình sản xuất không ổn định, dẫn đến đời sống thu nhập của người lao động bị sụt giảm.

Vì vậy, việc triển khai, thực hiện chương trình trong công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cập nhật sáng kiến lên phần mềm. “Trước tình hình đó, ngay sau khi tiếp nhận chương trình, cùng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng các văn bản cụ thể hóa và triển khai đến các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”, ông Lê Thanh Phú nhấn mạnh.

Đặc biệt là tổ chức phát động Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày thực hiện chương trình trong giai đoạn 1 và Chiến dịch thi đua cao điểm 110 ngày hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch trong giai đoạn 2. Nhờ vậy, kết thúc chương trình ngày 31-8 năm nay, Hậu Giang có gần 70.000 sáng kiến đăng nộp, đạt hơn 1.392% chỉ tiêu kế hoạch đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Để góp phần vào kết quả ấn tượng này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn thành lập “Tổ, nhóm hỗ trợ sáng kiến”.

Qua đó, kịp thời giúp đỡ, hướng dẫn đoàn viên, người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp nộp sáng kiến khi đoàn viên, người lao động không có thời gian hoặc chưa đảm bảo về trình độ tin học... Đơn cử như Công đoàn các khu công nghiệp tổ chức “Ngày hội sáng kiến” để triển khai trực tiếp cho ban chấp hành và chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc về quy trình và trực tiếp hướng dẫn việc tham gia nộp sáng kiến vào chương trình.

Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình nộp sáng kiến thì đơn vị trực tiếp xuống công đoàn cơ sở hướng dẫn đoàn viên, người lao động thực hiện quy trình này. Trong đó, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Lạc Tỷ II tổ chức riêng “Ngày hội sáng kiến” tại doanh nghiệp để triển khai cho các tổ công đoàn trực thuộc, giúp đỡ đoàn viên, người lao động nộp sáng kiến vào chương trình. Từ cách làm thiết thực này, số lượng sáng kiến được nộp ở doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng.

Ông Nguyễn Hữu Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cho hay: “Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của công đoàn cấp trên và quyết tâm từ ban chấp hành, chúng tôi tổ chức 4 tổ sáng kiến để làm sao mỗi công nhân có ít nhất 1 sáng kiến áp dụng vào quá trình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, khi tham gia chương trình đều đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng của từng sáng kiến. Do đó, khi kết thúc chương trình, đơn vị có tổng số 6.120 sáng kiến tham gia”.

Tương tự, LĐLĐ huyện Châu Thành A thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến” gồm các thành viên trong Ban Chấp hành LĐLĐ huyện và một số chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc. Với cách làm sáng tạo này, đã kịp thời hướng dẫn đoàn viên, người lao động nộp sáng kiến vào chương trình. Theo ông Vũ Phạm Vũ, đơn vị đặt ra mục tiêu là tham gia chương trình phải đảm bảo ba yêu cầu về số lượng, chất lượng và sai sót thấp nhất. Trong đó, số lượng sáng kiến tham gia phải đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.

Mặt khác, các sáng kiến tham gia chương trình phải là những sáng kiến có chất lượng, được các cấp có thẩm quyền công nhận và được ứng dụng vào trong thực tế; được kiểm tra sai sót và thực hiện đúng các bước hướng dẫn của ban tổ chức đặt ra. “Khép lại chương trình, đơn vị có tổng số 16.772 sáng kiến được cập nhật vào chương trình, vượt chỉ tiêu trên giao. Với kết quả này, Châu Thành A là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh cả 2 giai đoạn về số lượng sáng kiến tham gia”, ông Vũ thông tin thêm.

Nhiều sáng kiến chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực

Ngoài ra, một số đơn vị xuất sắc tiêu biểu có số lượng sáng kiến tham gia cao như: LĐLĐ thành phố Ngã Bảy 14.033 sáng kiến, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh 9.563 sáng kiến, thành phố Vị Thanh 6.302 sáng kiến, huyện Long Mỹ 5.529 sáng kiến, huyện Châu Thành 5.311 sáng kiến... Qua đây, khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn của tỉnh trong tham gia thực hiện chương trình, góp phần tích cực vào quá trình khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

 Đáng ghi nhận là đa số các sáng kiến tham gia chương trình đã được cấp có thẩm quyền công nhận và đang áp dụng vào thực tế có chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực. Chưa kể là nhiều sáng kiến thể hiện được sự sáng tạo của người lao động trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, không ít sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đơn cử như sáng kiến “Buồng lấy mẫu an toàn” của bác sĩ Trần Ngọc Phượng, ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, được đưa vào áp dụng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, mang lại giá trị làm lợi 4,8 tỉ đồng; sáng kiến “Nghiên cứu và chế tạo thiết bị dành cho học tập bằng công nghệ IoT (Internet of Thing)” của thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, có giá trị làm lợi hơn 150 triệu đồng/1 đơn vị trường học/năm.

Hay sáng kiến “Doanh nghiệp vì gia đình người lao động” của bà Nguyễn Thị Giọn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Lạc Tỷ II, được đưa vào áp dụng từ tháng 4 năm 2022, góp phần giữ chân người lao động, mang lại giá trị làm lợi hơn 200 triệu đồng/ngày. Riêng sáng kiến “Hệ thống máy giúp thở qua bóng” của bác sĩ Tạ Hồng Xuân, cùng các cộng sự tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, được đưa vào áp dụng tại bệnh viện đem lại giá trị làm lợi hơn 3 tỉ đồng.

Bác sĩ Tạ Hồng Xuân cho biết: “Trong 2 năm thực hiện chương trình, nhóm chúng tôi tích cực nghiên cứu, sáng tạo, mày mò, vận dụng những kiến thức có được, cùng trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Từ đó, nhóm thực hiện 3 sáng kiến để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, trong đó có sáng kiến “Hệ thống máy giúp thở qua bóng”. Tất cả đều đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và được triển khai có hiệu quả, rộng khắp trong phạm vi tỉnh và trên cả nước”.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả ấn tượng mà các cấp công đoàn của tỉnh đạt được trong tham gia thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng, thực tế, LĐLĐ tỉnh Hậu Giang đã làm nên kỳ tích, trở thành một trong những đơn vị xuất sắc nhất toàn quốc. Khi Hậu Giang chỉ có gần 51.000 đoàn viên, đứng thứ 59/82 đơn vị.

Tuy nhiên, qua chặng đường 20 tháng của chương trình, đơn vị khởi đầu mạnh mẽ và kết thúc ấn tượng bằng chính đội ngũ chủ lực là cán bộ, công chức, viên chức đóng góp hơn 85% sáng kiến và 94% công đoàn cơ sở tham gia. Cụ thể, khi nhận chỉ tiêu thực hiện, Hậu Giang đứng thứ 61/82 đơn vị trực thuộc, nhưng khi kết thúc chương trình, Hậu Giang có 5/20 tháng thuộc tốp 5 và chung cuộc đứng trong tốp 10 toàn quốc, đứng đầu Cụm thi đua 12 LĐLĐ tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, có được kết quả này là nhờ thực hiện tự giác, trách nhiệm của người đứng đầu Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh; tinh thần trách nhiệm cao và năng lực của cán bộ được trực tiếp giao nhiệm vụ “quản trị” chương trình. Đồng thời, đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục khó khăn của người lao động trực tiếp khi tham gia chương trình, là biểu hiện sinh động của tinh thần cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động.

66 tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng

Tại hội nghị tổng kết Chương trình “1 triệu sáng kiến” do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình này được tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Theo đó, 8 cá nhân được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 3 tập thể và 3 cá nhân được tặng bằng khen của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam; 3 tập thể và 5 cá nhân được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 19 tập thể và 25 cá nhân được tặng bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>