Sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ

19/03/2024 | 07:51 GMT+7

Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang chịu áp lực từ biến đổi khí hậu và yêu cầu về sự phát triển bền vững, việc tận dụng rơm sau thu hoạch không chỉ là một giải pháp môi trường mà còn là cơ hội để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.

Người dân tận dụng rơm để trồng nấm nâng cao thu nhập.

Rơm sau thu hoạch không chỉ là một loại phế phẩm mà thực sự là một tài nguyên vô giá trong ngành nông nghiệp. Thay vì bỏ phí, ông Phạm Văn Phải, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, chọn cách tận dụng triệt để nguồn rơm từ cánh đồng của mình. Gia đình ông trồng 5 công lúa, sau mỗi vụ thu hoạch, ông đã gom và trữ lại để tận dụng trồng nấm rơm, hoặc bán cho các hộ trồng nấm rơm xung quanh kiếm thêm thu nhập dù đã hết vụ lúa.

Ông Phải cho biết: “Hiện tại, tôi tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng nấm rơm, tôi dùng nguồn rơm vừa thu hoạch được và mua thêm ở ngoài để trồng nấm. Với giá bán khoảng 45.000-50.000 đồng/kg nấm tươi, mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch được gần 100kg nấm, mang lại lợi nhuận khá cao cho gia đình sau vụ thu hoạch lúa”.

Không dừng lại ở đó, sau khi hết vụ nấm rơm, ông Phải tiếp tục dùng số rơm đó ủ lại rồi bón cho vườn rau xà lách sau nhà. “Rơm là một loại phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng và an toàn cho sức khỏe người sử dụng, hơn hết nó giúp tôi tiết kiệm được một khoản chi phí mua phân bón hóa học để bón rau”, ông Phải chia sẻ thêm.

Không riêng với gia đình ông Phải, hiện nay các hộ trồng lúa trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng đã tận dụng được nguồn phụ phẩm từ cây lúa để kiếm thêm thu nhập. Với những hộ không có đất trồng nấm thì có thể thu gom thành những cuộn lớn, sau đó sẽ được các chủ ruộng trữ lại để sử dụng hoặc bán cho các hộ khác làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng, làm đệm lót bảo quản một số mặt hàng nông sản… Hiện nay, trung bình một cuộn rơm có trọng lượng từ 12-15kg sẽ được bán với giá từ 20.000 đồng trở lên. Vào những lúc hút hàng, giá mỗi cuộn rơm có khi lên 50.000 đồng.

Không chỉ được sử dụng làm thức ăn cho gia súc và nguồn năng lượng tái tạo, rơm còn có thể được biến thành phân bón hữu cơ. Thông qua quá trình phân hủy tự nhiên hoặc xử lý bằng vi sinh vật, rơm có thể biến thành phân bón giàu dinh dưỡng, cung cấp khoáng chất cho đất và giúp cải thiện cấu trúc đất. Ông Nguyễn Văn Hận, ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, là một trong những hộ nông dân đã mạnh dạn biến rơm thành phân hữu cơ bón trên đất lúa của mình, ông Hận cho biết: “Hiệu quả rõ nhất có thể nhận thấy được khi sử dụng rơm như phân hữu cơ là giảm số lần phun thuốc trong vụ, phân bón cũng nhẹ hơn so với sạ thông thường, từ đó tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận sau thu hoạch”.

Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, trong thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện đã tận dụng rơm, rạ trong sản xuất, trong đó chủ yếu là thu gom rơm để trồng nấm, tuy nhiên diện tích có thực hiện thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng vẫn còn thấp. Việc nông dân đốt rơm, rạ trên đồng ruộng sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí; tạo ra nhiều khí CO2, góp phần phát thải khí nhà kính; bên cạnh đó việc đốt rơm, rạ cũng làm chết các sinh vật có ích (thiên địch) trên đồng ruộng và gây lãng phí nguồn dinh dưỡng từ rơm, rạ.

Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho biết: Để gia tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; góp phần thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, người dân cần phải thực hiện “quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp”. Đây là mô hình rất hiệu quả, cần duy trì và phát triển trong thời gian tới.

“Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới như cơ giới hóa thu gom rơm ướt và rơm khô, cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm, tích hợp cơ giới hóa với công nghệ vi sinh để nâng cao hiệu quả quy trình và tạo điều kiện mở rộng quy mô áp dụng. Mô hình này phù hợp cho nhiều đối tượng áp dụng như nông hộ, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp”, ông Nhân cho biết thêm.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>