Định cư nhưng chưa an cư

22/06/2023 | 18:38 GMT+7

Bài 2: Để an cư không mãi là… mơ ước

Với người dân vùng sạt lở, việc sở hữu căn nhà của riêng mình để yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế luôn là niềm mơ ước. Thế nhưng, vì nhiều lý do, ước mơ chính đáng ấy vẫn chưa thành hiện thực.

Từ ngày dời về khu dân cư vượt lũ xã Đông Phước, huyện Châu Thành, ông Nguyễn Thành Vấn (bìa trái) không còn nơm nớp nỗi lo sạt lở.

Bỏ của chạy lấy người

Dù không muốn rời bỏ nơi từng gắn bó mấy chục năm, nhưng trước tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, lựa chọn duy nhất của bà con lúc này là di dời về nơi ở mới. Dẫu vậy, trong họ vẫn luôn canh cánh nỗi lo, sẽ làm gì để mưu sinh ở nơi xa lạ? Đây cũng là nỗi niềm của bà Trần Thị Tím, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp. Bấm bụng xa rời căn nhà cũ khi khi sạt lở đã đến rất gần, bà Tím buồn thiu tâm sự: “Đi thì buồn lắm nhưng phải đi, tại vì không ở được nữa. Quen ở đây rồi đi cũng buồn nhưng phải đành chịu”.

Không may mắn như hộ bà Tím khi được bố trí nền ở khu tái định cư, một số bà con khác mà phóng viên có dịp tiếp xúc cũng đang chờ sớm tới lượt mình nhận nền. Trong thời gian này, họ đành sửa tạm căn nhà đang xuống cấp để sử dụng, tài sản có giá trị phải gửi nhờ nơi khác. Khi chúng tôi hỏi sao không tìm mảnh đất ưng ý để cất nhà thay vì sửa chữa nhà sắp bỏ đi. Mọi người đều có chung câu trả lời đầy chua xót là chưa đủ khả năng tài chính.

Thống kê của ngành chức năng địa phương, hiện có khoảng 115 hộ dân sống dọc hai bên bờ kênh xáng Nàng Mao, xã Tân Long đã xét duyệt gửi danh sách lên huyện 33 hộ dân có nguy cơ cao cần được di dời trước tiên. Hiện nay còn chờ phê duyệt của UBND tỉnh.

Trong khi đó, Khu tái định cư xã Tân Long có tổng số 59 nền dân cư, đến nay đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể bố trí người dân vào ở vì còn vướng trình tự thủ tục. Chưa có nhà mới, chỗ ở cũ nguy cơ bị nhấn chìm bất cứ lúc nào nên nhiều năm qua, một số gia đình phải đóng cửa nhà cũ, dời đi sống tạm nơi khác mòn mỏi chờ nhận nền tái định cư.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Địa phương đã xuống vận động các hộ dân thống nhất giao lại đất cũ. Đối với nhà cửa, các hộ dân đề nghị hỗ trợ chi phí cất lại ngôi nhà mới, chi phí tài sản. Hiện địa phương giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thống kê và lập dự toán rồi xin ý kiến UBND tỉnh. Trên cơ sở có ý kiến UBND tỉnh sẽ có phân bổ cho các hộ dân. Số nền ít nhưng số lượng hộ có nhu cầu rất lớn. Vừa qua, huyện đã giải quyết đợt đầu tiên, còn các trường hợp nguy cơ thấp hơn sẽ giải quyết sau. Địa phương dự kiến xin chủ trương UBND tỉnh để san lấp mặt bằng, phân lô thêm các nền để bố trí cho các hộ dân ở khu tái định cư của Quốc lộ 1, giai đoạn 1 thuộc địa bàn xã Tân Long để phục vụ chỗ ở cho các hộ dân.

Cũng theo ông Lê Như Lê, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, địa phương mong muốn các hộ dân chấp hành, giao lại phần đất cũ và nhận nền tái định cư. “Về quy định đất mình phải thu tiền đối với các trường hợp này. Chúng tôi đang liên hệ với Ngân hàng chính sách xã hội để xem xét cho vay đối với việc xây dựng nhà của các hộ. Ngoài ra cũng đang xin chủ trương UBND tỉnh về giá nền để giao cho hộ dân, 1m2 chỉ tính chi phí xây dựng, chứ không tính giá đất cho các hộ”, ông Lê Như Lê nhấn mạnh.

Thay đổi để thích ứng

Trong bối cảnh sạt lở ngày càng gia tăng, trái với quy luật, việc thực hiện đề án di dời người dân ở các nơi có nguy cơ cao đến nơi ở an toàn là rất cần thiết. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, thông tin: Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng chống sạt lở sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ trên 10.000 hộ dân đến nơi ở an toàn giai đoạn 2021-2025. Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người dân đến nơi ở mới an toàn trong thời gian tới.

“Tình hình sạt lở đầu năm đến nay rất phức tạp, ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như hạ tầng kiến trúc trên bờ. Ở góc độ địa phương, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, kiểm tra các điểm xung yếu, cắm biển báo, tuyên truyền để người dân biết, tránh xa các điểm sạt lở. Khi thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, có hướng dời những tuyến đường này vào trong, giảm áp lực tải trọng bờ kênh để giảm nguy cơ sạt lở trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Toàn thông tin.

Có thể thấy, dù còn rất nhiều khó khăn do số hộ cần di dời lớn trong khi nguồn kinh phí hạn chế nhưng Hậu Giang đã nỗ lực hết mình, tất cả vì sự an toàn của các hộ dân. Dẫu vậy, theo phản ánh của nhiều hộ dân, khu tái định cư hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa phát huy chức năng như kỳ vọng. Nhu cầu về “ở” đã có nhưng cuộc sống của bà con không chỉ cần có vậy. Để thích nghi, nhiều hộ đã bắt đầu thay đổi để thích ứng.

10 năm trước, căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Văn Hòa, ven sông Mái Dầm bị sạt lở làm ảnh hưởng một phần căn nhà. Vì vậy, ông đã quyết định vào Khu dân cư vượt lũ xã Đông Phước, huyện Châu Thành. Từ ngày vào khu dân cư, cuộc sống của ông ổn định hơn, không còn nơm nớp lo sợ mỗi đêm.

Cũng là cư dân của Khu dân cư vượt lũ xã Đông Phước, ông Nguyễn Thành Vấn cho biết: “Trước đây, nhà tôi ven kênh xáng Mái Dầm, tối ngủ cũng không yên, biết sạt lở giờ nào. Ví dụ, sụp ban ngày mình có thể cảnh giác, phản ứng được, còn sạt lở ban đêm không hay rất nguy hiểm. Ngày xưa nhà cặp mé sông, đi mua bán bằng ghe, đâu có lộ xe như bây giờ. Từ ngày chính quyền đưa vô khu dân cư vượt lũ, nhận nền sinh sống mình phải thích nghi. Căn nhà ngang 4x5, dài hơn 16m. 10 năm Nhà nước mới thu tiền. Con cái đi làm công nhân ở công ty gần nhà”.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy kết quả thực hiện chương trình bố trí ổn định dân cư vùng nguy cơ sạt lở giai đoạn 2007-2021 đã hỗ trợ di dời nhà cho 1.256 hộ ra khỏi vùng thiên tai sạt lở, với tổng kinh phí 16,102 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2007-2012, di dời nhà cho 793 hộ, với kinh phí 6,6 tỉ đồng và giai đoạn 2013-2021, di dời nhà cho 463 hộ, với kinh phí 9,502 tỉ đồng.

Từ câu chuyện tái định cư, có thể thấy, ước mơ sở hữu căn nhà an toàn của người dân vùng sạt lở rất gần mà cũng rất xa. Căn nhà giờ đây không chỉ đáp ứng về nhu cầu “ở” mà đó còn phải là nơi bà con “sống được” với kế sinh nhai của mình. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay và cả sự mạnh dạn thay đổi để thích ứng của bà con.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 3: Để người dân không quay lưng với khu tái định cư

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>