Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

06/08/2020 | 10:10 GMT+7

Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai luôn được huyện Long Mỹ đẩy mạnh thực hiện, giúp người dân giảm bớt thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo huyện Long Mỹ thăm, động viên một trường hợp nhà bị tốc mái ở xã Xà Phiên.

Giúp đỡ kịp thời

Mới đây, trên địa bàn huyện Long Mỹ xảy ra gió giật mạnh, lốc xoáy làm 37 căn nhà sập, tốc mái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con. Nhận được tin báo, lãnh đạo các địa phương cử lực lượng xuống hiện trường giúp dân dọn dẹp nhà cửa, cây đổ ngã; tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bị bệnh mấy tháng qua nên việc đi lại của ông Nguyễn Văn Sự, ở ấp 7, xã Xà Phiên, rất khó khăn. Khoảng 16 giờ ngày 2-8, địa phương xuất hiện cơn mưa kèm theo giông lốc làm nhà của ông tốc mái hoàn toàn, nhiều vật dụng trong nhà không kịp che chắn nên ướt sủng. Quá bất ngờ, gia đình ông chỉ biết đứng nhìn…

Nhận được tin, lãnh đạo xã cử lực lượng dân quân tự vệ, vận động khoảng 20 người dân địa phương cùng nhau hỗ trợ, giúp gia đình ông dời tôn, dọn dẹp xung quanh, mua tôn mới về lợp. Đến ngày 4-8, gia đình ông ổn định.

Ông Nguyễn Văn Sự nói: “Cũng nhờ chính quyền địa phương, người dân quan tâm giúp tôi khắc phục hậu quả, nếu không chẳng biết khi nào tôi mới lợp lại xong nhà và cuộc sống bình thường trở lại”.

Cách đó không xa, hộ anh Nguyễn Việt Nhung cũng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi nhà sập hoàn toàn do giông lốc; vợ chồng anh Nhung có 2 con nhỏ. Sau đó, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, chỉ đạo lực lượng chức năng giúp hộ anh di dời đến nơi an toàn; hỗ trợ cất lại nhà. Anh Nhung cho biết: “Lúc khó khăn, hoạn nạn cũng nhờ chính quyền địa phương, người dân quan tâm giúp đỡ, tình cảm đó làm gia đình tôi ấm lòng hơn trong hoạn nạn”.

Theo lãnh đạo huyện Long Mỹ, sau khi hay tin nhà dân trên địa bàn sập, tốc mái đã chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng nắm tình hình, giúp dân khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời tổ chức di dời các cây đổ ngã ở một số tuyến đường. Đối với những trường hợp chưa khắc phục ngay thì vận động người dân xung quanh, người thân cho ở nhờ, sau đó dần ổn định.

“Mấy ngày tới, chúng tôi còn yêu cầu địa phương thường xuyên xuống thăm, động viên, theo dõi việc khắc phục của từng gia đình để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp”, ông Tống Hoàng Khôi, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, cho biết.

Chủ động phòng, chống

Theo huyện Long Mỹ, để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ngay đầu năm đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết.

Về biện pháp ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, huyện yêu cầu các hộ dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa các cành cây xung quanh nhà để tăng độ vững chắc; khi xây dựng công trình mới cần tính toán đến khả năng chịu lực trước tác động của gió bão; có kế hoạch trồng cây xanh hợp lý, vừa đảm bảo tạo cảnh quan, môi trường vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão. Đồng thời, bịt kín cửa và các khe cửa khi có gió mạnh; không ra ngoài khi có mưa to, gió lớn để tránh bị cây ngã đổ đè lên người, gió quật ngã hay tôn bay trúng.

Khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ thì chủ động sơ tán đến các nhà, công trình kiên cố như: trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa để trú ẩn; tuyệt đối không ở lại trên các chòi canh; nếu có đào hầm trú ẩn thì phải nhanh chóng sơ tán xuống hầm; tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ, những nơi có nhiều bảng hiệu quảng cáo…

Về biện pháp ứng phó triều cường, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ); chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng; tăng cường gia cố các bờ bao xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn; bảo vệ vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng hoa màu...

Các biện pháp ứng phó nữa là kiên quyết tháo dỡ chà, nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo thoát lũ nhanh. Các xã, thị trấn phải có kế hoạch khai thông dòng chảy ở tất cả các tuyến kênh để tiêu thoát lũ nhanh, đặc biệt là xã Vĩnh Thuận Đông phải có kế hoạch đối phó với triều cường, lũ lớn kéo dài nhiều ngày, vận động Nhân dân gia cố bờ vùng, bờ thửa, công trình thiết yếu để sẵn sàng đối phó với mưa, lũ và triều cường năm 2020.

Lãnh đạo huyện còn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra các bến đò ngang đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa lũ; trường hợp không đủ điều kiện an toàn đưa rước khách thì dừng ngay. Tổ chức, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại cấp xã, thị trấn, ấp sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản.

“Chúng tôi đã và đang yêu cầu lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời có biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn về người và vật chất của người dân trên địa bàn”, ông Tống Hoàng Khôi cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>