Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: “Nếu triển khai đại học số, sinh viên có thể ở nhà, vừa cày cấy, vừa học đại học…”

29/10/2022 | 17:20 GMT+7

(HGO) – Cuối tuần qua, tại thành phố Cần Thơ, Báo Tiền Phong đã phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự có ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ; ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiên Phong, cùng lãnh đạo và đại diện sở thông tin và truyền thông 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long”, diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Tại hội thảo các đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia, diễn giả trình bày các tham luận về nền tảng chính sách, thể chế thúc đẩy chuyển đổi số; các vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong chuyển đổi số của chính quyền các cấp; chuyển đổi số động lực phát triển; hoàn thiện cơ sở hạ tầng không gian quốc gia (NSDI) tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường-nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Nhiều vấn đề tồn tại được các chuyên gia giải đáp giúp các tỉnh, thành  vùng đồng bằng sông Cửu Long gỡ khó trong thực hiện chuyển đổi số.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng, cũng như cả nước. Có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số trong đó, đầu tiên là nhiệm vụ phát triển mạnh hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây; kế đến là nhiệm vụ thông minh hóa hạ tầng các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số… Theo ông Phan Tâm: Để người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy, cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn. Về y tế, nên chuyển đổi số bằng cách ứng dụng "Bác sĩ AI" có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động. Triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để mỗi người dân có một bác sĩ riêng, được kết nối các bệnh viện Trung ương và địa phương, mỗi người dân một sổ sức khỏe điện tử theo suốt cuộc đời. Về giáo dục, chuyển đổi số bằng các chọn nền tảng dạy, học trực tuyến, học sinh nông thôn cũng được giảng dạy bởi giáo viên tốt nhất ở thành thị/nước ngoài, học sinh mọi miền đều có cơ hội tiếp cận học liệu như nhau. Công tác giảng dạy được hỗ trợ bằng AI, học sinh được hỗ trợ tự học, cá thể hóa theo trình độ, năng lực. Vùng nên cân nhắc chọn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số.

"Khi cho phép thúc đẩy đại học số, sẽ không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Đại học số, sinh viên vẫn ở nhà, vẫn cày cấy giúp bố mẹ và vẫn có thể học đại học, đại học số có thể giúp giải quyết bài toán thiếu nhân lực số…

--- THỨ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG PHAN TÂM---

Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số, cũng như khó khăn đã được các đại biểu trình bày và chia sẻ.

Tin, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>