Đưa khoa học và công nghệ đến vùng đất khó

29/03/2024 | 08:39 GMT+7

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã triển khai nhiều mô hình khoa học và công nghệ (KH&CN), đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp trên những vùng đất khó.

Mô hình rau ăn lá (Batavia) trồng trong nhà màng ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt đã giúp nông dân được tiếp cận một loại cây trồng mới.

Đa dạng mô hình

KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp. Với sự đồng hành của KH&CN, năng suất, chất lượng của nông sản đang từng bước được nâng lên, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong năm 2023, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã tiếp tục triển khai 5 mô hình KH&CN triển vọng, hiệu quả ở cả trong và ngoài khu.

Mô hình “Nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng và phát triển của rau ăn lá (Batavia) trồng trong nhà màng ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tại Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang năm 2023”, đã xây dựng hoàn thiện mô hình trồng rau ăn lá (xà lách Batavia xanh) trong nhà màng ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt. Đánh giá loại giá thể ươm tốt nhất cho giai đoạn cây con và chọn ra công thức giá thể thích hợp để trồng loại rau này trong nhà màng. Qua đó, giúp người dân tiếp cận và ứng dụng một loại cây trồng mới đầy triển vọng.

Tận dụng hạ tầng nhà trồng nấm mối đen đã có từ năm 2022, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tiếp tục triển khai “Hoàn thiện mô hình trồng nấm mối đen tại Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang năm 2023”. Cụ thể, cải thiện nhà trồng nấm mối đen để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển tốt nhất. Đây sẽ là mô hình mẫu để nông dân trong và ngoài tỉnh tham quan, học hỏi, áp dụng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Hoàng Thoại, Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng sản phẩm OCOP về nấm mối đen Hậu Giang, để bán rộng rãi trên thị trường toàn quốc. Đồng thời, liên kết với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, nghiên cứu, chế biến đa dạng hóa sản phẩm nấm. Từ đó, nâng tầm giá trị và giúp nấm mối đen được bảo quản lâu hơn”.

Giúp nông dân áp dụng KH&CN hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Đảm, ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, hiện có 0,4ha đất trồng cây mít ruột đỏ. Vừa qua, ông là một trong 4 nông hộ được chọn tham gia mô hình “Mít ứng dụng công nghệ cao năm 2023” do Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai. Mô hình đã hỗ trợ ông ứng dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh sinh học, túi bao trái và hệ thống tưới tiết kiệm nước. Ngoài ra, ông còn được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật canh tác.

Ông Đảm chia sẻ: “Mỗi khi đi tập huấn, tôi đều lắng nghe và ghi lại rất kỹ để về áp dụng trên mảnh vườn của mình. Hiện nay, mít của tôi đang cho thu hoạch với trọng lượng trung bình trên 11kg mỗi trái. Tôi thấy vậy là cũng đạt lắm”. Sự phấn khởi của ông Đảm đã cho thấy hiệu quả từ việc áp dụng mô hình mới này trên địa bàn huyện Long Mỹ. Tin rằng, 4ha mít ruột đỏ đạt tiêu chuẩn VietGAP của mô hình sẽ là cơ sở để tiếp tục nhân rộng tại địa phương trong thời gian tới.

Bên cạnh các mô hình trên, trong năm qua, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang còn triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Long Mỹ” và mô hình “Aquaponics: Trồng rau kết hợp với thủy sản trong hệ thống nước tuần hoàn”.

Ngoài thực hiện tại khu, các mô hình còn quan tâm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là các nông hộ trên địa bàn huyện Long Mỹ. Là vùng đất phèn, thường chịu ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Sát cánh cùng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông dân trong quá trình chuyển giao, ứng dụng KH&CN

Theo TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh: “Chúng tôi luôn sẵn sàng sát cánh cùng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và bà con nông dân trong quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và chế biến sâu các loại nông sản, để giúp cho bà con sản xuất, kinh doanh ngày càng đạt hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nền nông nghiệp của tỉnh nhà”.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>