Đào tạo vi mạch bán dẫn: Ngành nghề của tương lai và cơ hội lớn cho nhân lực miền Tây

27/03/2024 | 07:47 GMT+7

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn tại thành phố Cần Thơ vừa qua là bước tiến quan trọng thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành điện tử và vi mạch bán dẫn phù hợp với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và đam mê sáng tạo tại đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ hội lớn cho nhân lực của vùng

Thế giới đang bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT),… Trong đó, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng quan trọng của tính toán hiện đại, là hạt nhân của công nghiệp điện tử. Vì vậy, sự thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ là “bệ phóng” cho sự phát triển của công nghiệp điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với định hướng chuyển đổi số, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Bên cạnh vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, nước ta còn có lợi thế từ quy mô dân số khoảng 100 triệu người. Thời gian qua, việc đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn đã được triển khai trên cả nước. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy tốt, là khu vực hết sức tiềm năng để tào tạo ngành này.

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn giữa Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ; Trường Bách khoa - Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu. Theo đó, các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Bộ đánh giá cao thành phố Cần Thơ đã rất chủ động thúc đẩy hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Tôi tin tưởng rằng, hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư không chỉ cho thành phố Cần Thơ mà còn cả vùng Tây Nam bộ”.

Đào tạo hiệu quả, đầu ra ổn định

Trường Đại học Cần Thơ hiện có gần 2.000 cán bộ, giảng viên và 45.000 sinh viên. Với cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp hiện đại và mạng lưới đối tác trong nước, quốc tế, trường có nhiều lợi thế để đào tạo đa ngành, chuyên sâu. Trong đó, kỹ thuật điện tử và Kỹ thuật máy tính là 2 ngành có nội dung đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Theo thống kê của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, công bố vào tháng 7-2023, Trường Đại học Cần Thơ là một trong 5 trường đại học cung cấp nhân lực làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Việc ký kết hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của trường và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu, cùng nhau đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về điện tử và vi mạch bán dẫn theo nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đào tạo, đôi bên có thể hợp tác đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển hợp tác trong tư vấn, hỗ trợ các chương trình trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương”.

Việc đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn tại thành phố Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp cho học viên, sinh viên có kỹ năng chuyên môn về thiết kế vi mạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đồng thời, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và mang lại nhiều cơ hội việc làm cho các học viên, sinh viên trong lĩnh vực này. Tương lai xa, thành phố Cần Thơ có thể trở thành một trung tâm đào tạo về vi mạch bán dẫn của Việt Nam và quốc tế.

Thỏa thuận hợp tác đã góp phần giải quyết tình trạng hạn chế về cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giảng viên trình độ cao trong đào tạo nhân lực điện tử và vi mạch bán dẫn tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đề nghị: “Các đơn vị bắt tay ngay vào việc triển khai hiện thực hóa nội dung ký kết một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Tăng cường vận động xã hội để hỗ trợ sinh viên, nhất là sinh viên nghèo, khó khăn, giúp cho những người có tài năng, có điều kiện tham gia lĩnh vực này. Thước đo quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm đào tạo được xã hội công nhận, doanh nghiệp tiếp nhận và mang lại thu nhập ổn định, tốt cho người lao động”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Nhiều lợi thế cho vùng khi đào tạo chuyên ngành này

 

“Tôi tin tưởng rằng, hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư không chỉ cho thành phố Cần Thơ mà còn cả vùng Tây Nam bộ”.

lThực hiện ký kết, Trường Bách khoa - Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ được tài trợ hệ thống máy tính, bản quyền thiết kế chip để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn, phù hợp với từng đối tượng giảng viên, sinh viên và viên chức.

Riêng Trường Đại học Cần Thơ, từ năm nay sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành kỹ thuật máy tính, với chỉ tiêu 90 sinh viên.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>