Giám sát tìm giải pháp gỡ khó cho thi hành án

02/10/2023 | 07:50 GMT+7

Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa hoàn thành công tác giám sát đối với 2 chi cục thi hành án dân sự (THADS) cấp huyện và tại Cục THADS tỉnh. Qua giám sát, nhiều giải pháp, đề xuất đã được thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh gợi mở cho ngành THADS.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Cục THADS tỉnh.

Qua công tác giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, khó khăn trong công tác THADS chủ yếu từ 3 nguyên nhân: Ý thức; khả năng thi hành án và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Với những đối tượng phải thi hành án, họ thường trốn tránh, dây dưa, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ và tìm cách tẩu tán tài sản, không hợp tác, thậm chí chống đối, cản trở việc thi hành án.

Ngoài ra, nhiều trường hợp người phải thi hành án không hiểu trình tự, thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tự do của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo, dù vụ việc đã được giải quyết đúng quy định pháp luật...

Tại Chi cục THADS thành phố Vị Thanh, báo cáo với đoàn giám sát, trong 10 tháng đầu năm 2023 (tính từ ngày 1-10-2022), đơn vị đã giải quyết xong 759/1.104 việc có điều kiện thi hành; về tiền, đã thi hành xong hơn 21,9 tỉ đồng, tương đương đạt 68,75% về việc và 37,28% về tiền. Tuy đạt được kết quả thi hành khá tốt nhưng số lượng về việc và tiền phải thi hành chuyển kỳ sau còn tương đối cao, với tổng số 995 việc, tương ứng với số tiền, tài sản phải thu hơn 126 tỉ đồng.

Theo ông Trần Thanh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố, nguyên nhân là do lượng án phải thi hành có tính chất phức tạp, nhiều tài sản kê biên là bất động sản chưa xử lý được. Bên cạnh đó, kết quả thu hồi tiền của người phải thi hành án dân sự đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam vẫn còn hạn chế.

Còn theo Cục THADS tỉnh, thời gian qua, công tác THADS luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Từ đó, công tác THADS đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, ngành THADS đã thi hành xong 5.453 việc, với số tiền 197,2 tỉ đồng, cơ bản đảm bảo tiến độ theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Ngoài ra, số án chưa có điều kiện, số phải chuyển kỳ sau đều được theo dõi chặt chẽ…

Mặc dù kết quả THADS có nhiều tích cực, song theo đánh giá chung của thành viên Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh thì số việc và tiền tính cả số có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, một số chỉ tiêu nhiệm vụ đạt chưa cao, nhất là tiến độ giải quyết án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; còn một số vụ việc thi hành án phức tạp chưa được tổ chức thi hành xong dứt điểm…

Theo ông Nguyễn Trung Chánh, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, ngoài các nguyên nhân khách quan dẫn đến việc thi hành án dân sự tồn, án chậm thi hành, còn có nguyên nhân do chấp hành viên các cơ quan THADS trong quá trình giải quyết các vụ việc vẫn còn tình trạng thiếu kiên quyết, chưa mạnh dạn đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Dũng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, thành viên Đoàn giám sát, để có thể nâng cao chất lượng công tác THADS thì công tác giáo dục, vận động, thuyết phục trong quá trình thi hành án là rất quan trọng.  Quá trình thi hành án, các chấp hành viên cần nắm được tâm tư nguyện vọng, tiến hành giải thích, hướng dẫn rõ các quy định pháp luật cho các đương sự thì quá trình tổ chức thi hành án mới có thể đạt hiệu quả cao.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên cũng như nâng cao hiệu quả công tác THADS, lãnh đạo Cục THADS tỉnh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố tập trung nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chấp hành viên; tăng cường các giải pháp xác minh, phân loại, bán đấu giá tài sản… nhằm đảm bảo việc thi hành án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

 Ông Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị Cục THADS tỉnh cần tập trung các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thi hành án được giao hàng năm. Qua đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành hữu quan thực hiện tốt công tác THADS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; đồng thời, nâng cao vai trò của ban chỉ đạo THADS các cấp trong đẩy nhanh tiến độ giải quyết án; quan tâm vấn đề kiểm tra nội bộ nhằm tránh các sai sót, hạn chế trong quá trình thi hành án.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>