Quyết sách mới sẽ sớm đi vào cuộc sống

15/04/2024 | 07:58 GMT+7

Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X vừa thông qua 19 nghị quyết quan trọng và đại biểu, cử tri, người dân kỳ vọng nhiều nghị quyết với cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành sớm đi vào cuộc sống.

HĐND tỉnh thống nhất nâng mức chi hỗ trợ lên là 90.000 đồng/tháng làm nhiều cộng tác viên dân số phấn khởi.

Rất kịp thời

Đại biểu HĐND tỉnh, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Tôi rất đồng tình với chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức có năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc thấp, không đảm bảo được nhiệm vụ tự nguyện xin tinh giản sẽ được hỗ trợ”.

Theo bà Linh, sau khi có hiệu lực, các cấp, các ngành cần phổ biến sâu rộng tinh thần nghị quyết về mục đích, yêu cầu, rõ đối tượng, rõ về điều kiện được nhận hỗ trợ để nghị quyết đi sâu vào cuộc sống. Cần tránh trường hợp cán bộ, công chức làm được việc nhưng do chưa nắm rõ, chưa hiểu đúng về cơ chế, chính sách đặc thù này của tỉnh cũng đăng ký tự nguyện tinh giản là không được.

Nhiều đại biểu, cử tri bày tỏ và rất mong chờ thời gian tới Nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn tỉnh sẽ tạo thêm động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cống hiến của cán bộ, viên chức.

Theo nghị quyết trên, mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp tỉnh tự nguyện tinh giản biên chế trước tuổi nghỉ hưu được hưởng 20 triệu đồng/năm, tính trên số năm công tác còn lại đến tuổi nghỉ hưu, nhưng tổng số tiền được hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/người…

Mục tiêu của nghị quyết là góp phần khắc phục tình trạng thừa những người không làm được việc và thiếu những người làm được việc.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ, chia sẻ: “Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là “điểm nghẽn” của tỉnh trong thời gian qua. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học, chưa gắn chặt nhiều với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, làm được việc. Nhận diện rõ thực trạng này, hiện nay chúng ta đang rất cần nguồn cán bộ có năng lực cao, đảm nhận được nhiều nhiệm vụ để lấy chất lượng bù vào số lượng. Phương châm của tỉnh là đồng bộ nhiều giải pháp tuyển chọn được cán bộ mới chất lượng để có nguồn kế thừa”.

Về nghị quyết có nội dung nâng mức chi hỗ trợ tiền ăn cho học sinh khuyết tật, cử tri Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, bày tỏ: “Tôi thấy mừng vì tỉnh luôn quan tâm chăm lo và dành nhiều chính sách đặc thù cho người yếu thế. Nhất là vừa qua, HĐND đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung chế độ chi tiêu hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc nâng mức chi hỗ trợ tiền ăn cho học sinh khuyết tật học tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang lên 1 triệu đồng/tháng/trẻ”.

“Với mức hỗ trợ này, cơ bản sẽ phù hợp với giá cả thực phẩm hiện nay, từ nghị quyết này, tôi nghĩ học sinh khuyết tật sẽ được quan tâm, đảm bảo khẩu phần ăn, dinh dưỡng hàng ngày”, bà Mai nói thêm.

Ngoài ra, nghị quyết vừa nêu cũng đã thống nhất sửa đổi mức chi hỗ trợ phục vụ cập nhật thông tin về dân số, kế hoạch hóa gia đình trên hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dân số, thông tin liên lạc, tuyên truyền trên mạng xã hội với mức chi là 90.000 đồng/cộng tác viên/tháng.

Bà Mai Kiều Ngân, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Bình An, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, cộng tác viên dân số, phấn khởi: “Với mức khoán hỗ trợ hàng tháng tăng lên này, tôi tin sẽ tạo thêm động lực, hỗ trợ cộng tác viên dân số phù hợp hơn, góp phần giúp công tác chuyển đổi số của ngành, việc truyền thông qua mạng zalo, facebook... nhanh chóng, kịp thời”.

Trước đó, lực lượng cộng tác viên dân số thực hiện cập nhật thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình của hộ gia đình vào sổ là 2.500 đồng/phiếu thu thông tin của ít nhất 5 hộ gia đình. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này đến nay không còn phù hợp, qua rà soát, HĐND tỉnh đã thống nhất nâng hỗ trợ, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân.

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: “Các nghị quyết mới được ban hành với những cơ chế, chính sách đặc thù rất phù hợp được cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao. Mỗi chính sách được ban hành, qua giám sát xuất phát từ chính đòi hỏi của cuộc sống và hiện quay trở lại phục vụ cuộc sống. Đây sẽ tháo gỡ được các “nút thắt”, khai thông “điểm nghẽn”, phát huy hiệu quả nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng chất lượng đời sống nhân dân hơn”.

Rất hoan nghênh với nghị quyết đặt tên đường và điều chỉnh chiều dài một số tuyến đường trên địa bàn các thị trấn thuộc huyện Phụng Hiệp, các phường thuộc thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh, bà Thị Thảo, ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi nghĩ, khi chọn đặt tên đường, chính quyền địa phương cần căn cứ vào vị trí, cấp độ, chiều dài... của tuyến đường để chọn lựa tên danh nhân cho phù hợp, tương xứng, ý nghĩa”.

 “Tôi thấy cần bố trí thêm việc gắn mã QR, ứng dụng công nghệ số cho bản tên đường sẽ tiện lợi hơn cho mọi người dân qua lại, tìm hiểu về địa danh hay tên nhân vật được chọn đặt cho đường, để thấy việc đặt, gọi tên đường thêm ý nghĩa”, bà Thảo đề xuất thêm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: “Hậu Giang có 2 điểm nghẽn đó là chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược cần kiên quyết, kiên trì tháo gỡ. Lan tỏa tinh thần đổi mới, phát huy kết quả đạt được, với tâm huyết, trách nhiệm, HĐND các cấp hãy luôn lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm sát sao đến những vấn đề thực tiễn đặt ra, dư luận quan tâm, cử tri kiến nghị, để từ đó giám sát và đề ra những quyết sách đúng đắn, thúc đẩy phát triển kịp thời”.

Để giải quyết điểm nghẽn về nguồn nhân lực, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: “Các sở, ban, ngành, các đơn vị quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả thực chất Đề án 09 quy định tạm thời về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; tăng cường vai trò người đứng đầu. Bên cạnh đó, tăng cường mạnh mẽ, tạo được nguồn tài chính mới để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết phát triển 4 trụ cột của tỉnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư, tạo quỹ đất sạch phục vụ các công trình, dự án, các tuyến cao tốc đi qua địa bàn. Nhất là 4 khu tái định cư mới tại thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành vừa được HĐND tỉnh thông qua thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng”.

Nhận diện rõ các khó khăn, “điểm nghẽn” cùng nhiều giải pháp đột phá, HĐND các cấp đã, đang phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tận dụng “thời kỳ vàng”,                                           hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Hứa hẹn sẽ tạo đột phá

19 nghị quyết được HĐND tỉnh thống nhất thông qua tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh hứa hẹn sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cụ thể:

- Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án đầu tư.

- Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

- Nghị quyết ban hành Quy định nội dung và định mức xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn.

- Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án: Xây dựng Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang.

- Nghị quyết sửa đổi, bổ sung chế độ chi tiêu hành chính sự nghiệp trên địa bàn.

- Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc thông qua chủ trương thực hiện cơ chế vay lại Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh.

- Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án: Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2...

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>