Truyền cảm hứng nghiên cứu, sáng tạo

23/08/2023 | 10:14 GMT+7

Với các hoạt động hỗ trợ thiết thực đến từ các giảng viên của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhiều học sinh trên địa bàn huyện Châu Thành A đã được truyền cảm hứng nghiên cứu, sáng tạo, góp phần đẩy mạnh việc giáo dục STEM trong nhà trường.

Ông Smit Willem, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, muốn tạo ra sự thay đổi lớn về việc tiếp cận khoa học kỹ thuật cho các em học sinh vùng sâu.

Định hình tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong không gian của phòng học STEM tại Trường THPT Châu Thành A, gần 50 học sinh đang chăm chú lắng nghe sự hướng dẫn của các giảng viên, diễn giả người nước ngoài đến từ Mỹ và Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Khoảng cách ngôn ngữ dường như không còn là rào cản để các em tiếp thu những kiến thức mới mẻ về lập trình, công nghệ, điện tử,… Ai cũng hào hứng học tập và nhanh chóng ứng dụng vào sản phẩm sáng tạo của mình.

Lớp học này là thành quả từ sự kết hợp của Trung tâm Phát triển cộng đồng Bông Sen và các giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, để hỗ trợ thiết bị cho phòng học STEM của Trường THPT Châu Thành A và Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Trong 2 ngày triển khai tại Trường THPT Châu Thành A, các giảng viên, diễn giả người nước ngoài đã hướng dẫn cho các giáo viên, học sinh tại 2 trường cách thiết kế 3D, lập trình Arduino, viết mã code cơ bản, sử dụng cảm biến siêu âm,… Sau đó, vận dụng vào việc sáng tạo một sản phẩm STEM theo ý tưởng của mình.

Ông Rajesh Nair, hiện đang là Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của Encube Labs, một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Mỹ. Đồng thời, ông cũng là một giáo sư về sáng tạo và khởi nghiệp, tham gia giảng dạy tại Asia School of Business (Malaysia). Với mong muốn tạo ra 1 triệu nhà khởi nghiệp trên toàn cầu, những năm qua, ông Rajesh Nair đã đi nhiều nước trên thế giới để tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng, hướng dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Tại Việt Nam, sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên mà ông đến và triển khai một lớp học như thế này.

Ông Rajesh Nair nhận xét: “Qua tiếp xúc, tôi thấy về sự thông minh, về khả năng thì trẻ em ở Hậu Giang không khác gì so với trẻ em ở Mỹ hay những nước phát triển hơn cả. Điểm khác biệt duy nhất là cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm trực tiếp để học hỏi và giải quyết vấn đề”. Ông Rajesh Nair mong muốn hoạt động này sẽ giúp các em tiếp cận công nghệ và khám phá khả năng của bản thân. Từ những học sinh bình thường, các em có thể trở thành những người tạo ra sự thay đổi trong tương lai, khởi nghiệp thành công và mang lại nguồn thu nhập cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho những người xung quanh và làm giàu cộng đồng.

Từ trên ghế nhà trường

Trước khi tham gia lớp học do Trung tâm Phát triển cộng đồng Bông Sen phối hợp với các giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức, em Võ Mỹ Thi, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Châu Thành A, luôn cảm thấy tự ti với khả năng kỹ thuật của mình. “Khi biết về hoạt động này, em nghĩ mình sẽ tham gia nhưng sẽ rất rụt rè. Nhưng sau buổi học, em thấy rất thú vị và bản thân mình cũng có khả năng tiếp thu được những kiến thức này. Lớp học đã giúp em tự tin hơn và biết thêm nhiều điều mới”, Mỹ Thi chia sẻ.

Ông Smit Willem, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết: “Theo tôi, những hoạt động như thế này sẽ là những chất xúc tác để tạo ra sự thay đổi từ gốc, làm thay đổi về giáo viên, về học sinh, về phụ huynh. Giúp họ nhìn thấy được ngoài những kiến thức trên lớp và điểm số, các em còn có thể phát triển những kỹ năng cần thiết ở thế kỷ 21. Với việc tạo ra sự thay đổi ở những khu vực khó khăn như ở đây, sẽ tạo ra sự phát triển bền vững hơn cho cả cộng đồng chung”. Do đó, huyện Châu Thành A là địa phương đầu tiên tại tỉnh được ông Smit Willem lựa chọn tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ thiết bị cho phòng học STEM tại các trường.

Hoạt động này không chỉ cung cấp vật chất và kiến thức cho các em học sinh THCS, THPT trên địa bàn mà còn tạo ra một làn gió mới để khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của các em. Động viên các em thêm mạnh dạn, tự tin để thể hiện bản thân và trình bày ý tưởng của mình. Thông qua việc làm việc nhóm để tạo ra sản phẩm sáng tạo, các em có thể chuyển biến từ tư duy cạnh tranh sang tư duy hợp tác để cùng phát triển. Những người tổ chức hoạt động này hy vọng, từ một nhóm nhỏ như thế này, các em sẽ lan tỏa ra cộng đồng xung quanh, tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong tương lai.

Đối với các trường được tiếp nhận, hoạt động này là một sự trợ lực rất quan trọng cho định hướng giáo dục STEM của trường. Cô Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành A, cho hay: “Giáo dục STEM là phương pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng từ nhiều năm trước và hiện nay đang được tiếp xúc mạnh cùng với chuyển đổi số. Đây là một cơ hội rất đáng mừng, rất có ích cho giáo viên và học sinh của trường. Trong 2 ngày học với những kỹ năng cơ bản, các em sẽ được truyền cảm hứng để sau này phát triển thêm. Đối với các thầy cô cũng là cơ hội tiếp xúc để sắp tới sẽ có phương pháp giảng dạy tốt hơn theo định hướng mới”.

Thông qua hoạt động đầy ý nghĩa này, giáo dục STEM tại các trường sẽ thu hút được nhiều học sinh và phát huy hiệu quả hơn nữa. Biết đâu được trong tương lai, đây sẽ là cái nôi sản sinh ra những nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầy triển vọng của tỉnh nhà?

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>