Thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc từ 2025: Thầy trò Hậu Giang chuẩn bị gì ?

18/12/2023 | 07:13 GMT+7

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Thầy trò, các trường trên địa bàn tỉnh chuẩn bị gì cho kỳ thi năm tới, còn những gì phân vân với phương án này?

Bài 1: Chắc chắn giảm áp lực, nhưng liệu có học lệch ?

Chuyện giảm áp lực với 2 môn thi là quá rõ, nhưng không ít ý kiến phân vân liệu có xảy ra tình trạng học lệch, nhất là những môn được cho là... phụ.

Sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường tại tỉnh đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho học sinh các lớp 11.

Ai cũng thấy phù hợp

Sẽ dự thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, em Tô Thị Tuyết Sương, học sinh lớp 11, Trường THPT Vị Thủy (huyện Vị Thủy), chia sẻ: “Khi biết thông tin chỉ thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn chúng em rất mừng, thi ít môn chúng em thấy đỡ áp lực hơn. Chúng em có thời gian để dành cho các môn học yêu thích, tập trung cho các môn sử dụng điểm để xét tuyển đại học”.

Vui mừng, đồng tình với phương án thi mới, Nguyễn Trần Như Ngọc, học sinh lớp 11, Trường THPT Châu Thành A (huyện Châu Thành A), bộc bạch: “Việc giảm tải các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh chúng em”.

Là người đang trực tiếp giảng dạy học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cả chương trình năm 2006 (cũ), thầy Lê Minh Tương, giáo viên Trường THPT Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Phương án thi mới được đa phần nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh đều đồng tình ủng hộ. Phương án thi mới này chắc chắn sẽ làm giảm áp lực thi cử cho học sinh, việc tổ chức thi ở các trường đỡ cồng kềnh. Thí sinh chỉ thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và lựa chọn thêm 2 môn thi tự chọn là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được giảng dạy theo hướng chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, cấu trúc, nội dung chương trình có nhiều đổi mới. “Vì các em học sinh đã học theo chương trình mới, nên việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng phải đổi mới là hoàn toàn phù hợp”, thầy Tương chia sẻ thêm.

Việc tổ chức phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng tinh gọn với 4 môn thi (toán, văn bắt buộc và 2 môn tự chọn) sẽ giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào cao đẳng, đại học.

Tuy nhiên, khi số môn thi ít lại, liệu có xuất hiện tình trạng một số môn học không được học sinh lựa chọn sẽ bị coi nhẹ?

Liệu có học lệch, bỏ môn... phụ ?

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Trường THPT Long Mỹ (thị xã Long Mỹ) đã tổ chức họp các tổ trưởng bộ môn để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. Bà Trịnh Thị Trúc Linh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Theo tôi, ngoài học để thi tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn cần tập trung học các môn khác để bổ trợ kiến thức đặc biệt là hỗ trợ cho việc xét tuyển cao đẳng, đại học. Vì vậy, sẽ không có tình trạng học sinh coi trọng môn thi, bỏ các môn không thi tốt nghiệp”.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, do học sinh ở cấp THPT ngay từ lớp 10 đã được tư vấn, hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học, khi đã chọn được tổ hợp môn học đồng nghĩa các em đã định hướng được tổ hợp xét tuyển cao đẳng, đại học, nếu đã vậy sẽ phải chủ động học tất cả các môn.

Ít môn thi sẽ là lợi thế cho học sinh, nhưng theo các trường càng thi ít môn, thì phải kiểm soát chặt việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ ở trường để duy trì chất lượng dạy học.

Ông Phạm Hoàng Khang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT mới, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng gọn hơn, nhằm tạo điều kiện cho học sinh. Về vấn đề thi ít môn có xảy ra tình trạng học lệch hay không? Theo tôi, để xét tốt nghiệp THPT ngoài kết quả thi, vẫn còn đánh giá quá trình học tập (học bạ), vì vậy bắt buộc học sinh phải học tất cả các môn”.

Thực tế cho thấy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới so với Chương trình năm 2006 (cũ). Nếu như không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm nhà trường, giáo viên và học sinh sẽ rất dễ rơi vào bị động và lúng túng.

Ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh (thành phố Vị Thanh), cho rằng: “Việc thi nhiều môn hay ít môn, có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay học sinh quan tâm nhiều hơn đến tuyển sinh đại học, khi đã xác định vào đại học, các em không chỉ tập trung học vào các môn sở trường, mà quan tâm đến các môn bổ trợ cho ngành nghề lựa chọn trong tương lai. Khi muốn có nhiều cơ hội xét tuyển đại học, buộc các em phải có kiến thức, năng lực toàn diện, để đạt được điều này các em sẽ học đều các môn, nên không lo việc học lệch”.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sớm phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, với 4 môn sẽ giúp cho học sinh có thời gian để kịp chuẩn bị, ôn tập kỹ cho kỳ thi quan trọng.

Tuy nhiên, để có một kỳ thi đảm bảo chất lượng, an toàn và thành công như kỳ vọng, đòi hỏi không chỉ nhà trường, giáo viên, mà ngay cả học sinh phải cùng chủ động để đạt kết quả cao nhất.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, học sinh phải thi 4 môn, trong đó môn toán và ngữ văn là môn thi bắt buộc. Về hình thức thi, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Thí sinh phải thi 2 môn tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Bài 2: Xét tuyển cao đẳng, đại học có gì thay đổi ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>