Giáo dục STEM ở cấp tiểu học: Làn gió mới...

01/03/2024 | 09:07 GMT+7

Dù mới triển khai thí điểm từ đầu năm học 2023-2024, nhưng hoạt động giáo dục STEM ở cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh đã từng bước cho thấy nhiều kết quả tích cực.

Học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương, tham gia bài học STEM môn công nghệ.

Giáo viên bắt nhịp, học trò hào hứng

Giờ học môn công nghệ của lớp 4A1, Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Ngã Bảy, sôi động và hấp dẫn hơn thường ngày khi cô Nguyễn Thị Hường lựa chọn giảng dạy theo bài học STEM.

Mở đầu giờ học, cả lớp được bắt nhịp bằng một bài nhạc sôi động tại chỗ, sau đó cô Hường đã đặt các câu liên quan đến bài học về các loại đồ chơi. Sau khi cung cấp kiến thức về các loại đồ chơi dân gian, cô chia lớp thành 6 nhóm để thực hành làm chong chóng.

“Bài học STEM có môn học chủ đạo là công nghệ, tích hợp cùng môn khoa học, mỹ thuật và toán, đã tạo nên không khí học tập sôi nổi và đầy hào hứng. Học sinh có cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, vẽ, nhận dạng và sắp xếp hình ảnh, quan sát, thuyết trình, đặc biệt là kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để khám phá nhiều kiến thức cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm theo yêu cầu”, cô Hường chia sẻ.

Phấn khởi khi được tham gia giờ học STEM, em Nguyễn Bảo Uyên, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hùng Vương, bộc bạch: “Em cùng với các bạn được tự do sáng tạo để hoàn thành mỗi người một cái chong chóng và giới thiệu nó trước cả lớp. Qua phần thuyết trình của các nhóm, em còn biết thêm nhiều kiến thức thú vị, như chong chóng muốn quay được là nhờ có gió; chong chóng quay nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào độ cứng và độ cong của cánh chong chóng…”.

Là một trong ba trường trên địa bàn thị xã Long Mỹ được lựa chọn thực hiện thí điểm hoạt động giáo dục STEM cho tất cả các lớp từ khối 1 đến khối 5, ông Ngô Duy Thức, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thông tin: “Triển khai hoạt động giáo dục STEM, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi để giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM. Mặc dù tiết học STEM kéo dài hơn bình thường nhưng không khí lớp học vẫn rất sôi nổi. Giáo viên chỉ cung cấp kiến thức nền cho học sinh trong khoảng 10-20 phút đầu giờ, thời gian còn lại đều dành để học sinh sáng tạo sản phẩm dựa trên kiến thức nền vừa được giáo viên gợi mở. Qua một học kỳ triển khai, hầu hết học sinh thể hiện được sự sáng tạo, tích cực với các hoạt động học tập từ bài học STEM”.

Trường chưa thực hiện cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu

Năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh có 25 trường tiểu học, thuộc 8 phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn tham gia dạy học thí điểm giáo dục STEM.

Qua thời gian triển khai các tiết học STEM, học sinh tham gia rất hào hứng, năng lực cùng tính chủ động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức liên môn của các em được phát huy.

Ông Hồ Văn Bé Hai, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT, chia sẻ: “Toàn tỉnh hiện có 147 trường tiểu học, đã có 25 trường được lựa chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học. Qua đăng ký, mỗi địa phương có 3 - 4 trường tham gia thí điểm. Thực hiện kế hoạch, các trường đã làm tốt công tác truyền thông định hướng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% cán bộ quản lý, giáo viên của 25 trường thí điểm đã được tập huấn, bồi dưỡng về tổ chức hoạt động giáo dục STEM”.

Thay vì phương pháp dạy truyền thống học sinh chỉ nghe giảng, tiếp thu kiến thức một cách thụ động, giáo dục STEM hướng đến những trải nghiệm thực tế cho học sinh. Các em được thỏa sức sáng tạo, khám phá, trải nghiệm thực tế, áp dụng những kiến thức từ bài học để tự tạo ra sản phẩm. Hiện tại, các trường đang triển khai thí điểm hoạt động giáo dục STEM, sẽ dạy 2 bài học STEM/học kỳ.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Để tổ chức thí điểm một cách hiệu quả giáo dục STEM, đề nghị phòng chuyên môn, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động hướng dẫn, thường xuyên quan tâm đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thí điểm xây dựng và thực hiện được giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục. Các trường được chọn thí điểm cần tích cực, chủ động thực hiện giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục, phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương. Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn xây dựng, lựa chọn các chủ đề phù hợp, đa dạng hình thức tổ chức giáo dục STEM tại đơn vị để đạt hiệu quả cao”.

Định hướng trong thời gian tới, sở khuyến khích các cơ sở giáo dục cấp tiểu học chưa thực hiện thí điểm cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ đơn vị bạn; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai giáo dục STEM trong năm học 2024-2025.

Giáo dục STEM là cách giáo dục hay, hữu ích. Sự tích hợp liên môn và nhiều nhóm kỹ năng giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập, đảm bảo kết hợp được cả hai tiêu chí là giáo dục tri thức và rèn luyện kỹ năng. Học sinh được học mà chơi, chơi mà học, học đi đôi với hành. Đây là mô hình giáo dục theo xu hướng 4.0, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, sát với thực tế, có tính ứng dụng cao dành cho học sinh.

STEM (tên viết tắt của từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học) là phương pháp giáo dục mới thuộc chương trình chính khóa để giảng dạy tích hợp liên môn, tạo cơ hội cho học sinh khái quát, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực như: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học… Các môn có thể áp dụng phương pháp này là: toán, khoa học, công nghệ, mỹ thuật…

Giáo dục STEM ở cấp tiểu học được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2022-2023, cho một số cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Đến năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh, thành phố còn lại chọn ít nhất 5 địa phương cấp huyện, mỗi đơn vị cấp huyện chọn ít nhất 5 cơ sở giáo dục tiểu học để thí điểm thực hiện.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích