Giáo dục STEM: Hành trình khởi đầu cho những sáng tạo

12/01/2024 | 10:29 GMT+7

Sở Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích đưa chương trình giáo dục STEM vào các cơ sở giáo dục. Hoạt động này khơi dậy sáng tạo cho học sinh và là cơ sở quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo dục STEM đang được các trường chủ động triển khai, nhằm góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi dậy sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá cho học sinh.

Tiền đề đổi mới giáo dục

Dù mới đưa vào giảng dạy khoảng vài năm trở lại đây, nhưng hoạt động STEM đã nhận được sự yêu thích của học sinh. Từ những giờ học STEM, nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ từ học tập đến đời sống, do chính tay học sinh thực hiện đã ra đời.

Ví dụ như sản phẩm “Tranh đồng hồ từ vật liệu đã qua sử dụng”, một sản phẩm từ hoạt động STEM của các học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vị Thanh.

Tận dụng các bìa giấy cứng, chai nhựa, lon nước ngọt đã qua sử dụng… các em làm nên những bức tranh về hoa sen, hoa hồng và nhiều loại hoa độc đáo khác. Tuy màu sắc của từng bức tranh chưa được độc đáo, nhưng những bức tranh đồng hồ làm từ các vật liệu tái chế của nhóm học sinh Trần Lê Diệu Anh, Phạm Ái Ly, Lê Ngọc Khanh, Phan Thị Hồng Quân, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, được nhiều người đón nhận vì ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ môi trường.

Là một trong những tác giả thực hiện sản phẩm, em Diệu Anh chia sẻ: “Chúng em rất vui khi từ kiến thức được học trên lớp đối với chương trình giáo dục STEM ở các môn toán, vật lý, hóa học… tụi em đã nghiên cứu thực hiện được sản phẩm tranh đồng hồ bằng vật liệu tái chế. Qua tìm hiểu thực tế, chúng em thấy các sản phẩm tranh đồng hồ bán trên thị trường giá khá cao từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Nhóm của em đã đưa ra ý tưởng làm những bức tranh đồng hồ từ các vật liệu đã qua sử dụng như giấy, lon nước ngọt, chai nhựa, ống hút… Sản phẩm vừa trang trí và sử dụng như công dụng của một chiếc đồng hồ”.

Cũng vận dụng kiến thức giáo dục STEM từ toán học, nhóm học sinh Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Tạ Thị Anh Thơ, Lê Kim Oanh, Trần Thị Ngọc Hân, lớp 11A1, Trường THPT Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho ra mắt sản phẩm “Ứng dụng phép biến hình trong thiết kế tranh giấy, tranh 3D trang trí”. Ngọc Hân bộc bạch: “Qua một lần được nhìn thấy những bức tranh giấy, tranh 3D được làm thủ công rất độc đáo và mới lạ trên mạng xã hội, chúng em đã thử tìm hiểu và bắt đầu nghiên cứu để làm tranh. Nhìn thì dễ nhưng khi bắt đầu làm thấy khó, vì phải nắm vững được định nghĩa về phép biến hình trong mặt phẳng, phép tịnh tiến, phép đối xứng, phép quay, phép đối xứng tâm và phép dời hình… mới cho ra bức tranh đẹp”.

Khơi dậy sáng tạo cho học sinh

Theo hiệu trưởng các trường THCS, THPT, giáo dục STEM được đánh gíá là một trong những phương pháp mang tính tích cực cao với nhiều ưu thế nổi bật, như trang bị cho học sinh kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, khả năng sáng tạo, tư duy logic, năng lực và hiệu quả học tập. Các bài học của giáo dục STEM hướng học sinh đến các hoạt động trải nghiệm, thực hành, khơi gợi được tính hứng thú, tò mò, mang đến tiết học hiệu quả cao. Với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học theo phương pháp STEM còn giúp học sinh định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Qua thực tế triển khai trong những năm qua, một trong những khó khăn đầu tiên phải kể đến là trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu khi giáo dục STEM, một số giáo viên lớn tuổi hạn chế, ít quan tâm đến các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật. Điều kiện cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra khi triển khai giáo dục STEM: Thiếu phòng học, phòng thí nghiệm, phòng chức năng...

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Giáo dục STEM được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chính thức từ năm học 2020-2021, với mục tiêu trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Tăng cường hoạt động STEM để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong học sinh trung học. Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là phát triển phẩm chất, năng lực cho người học”.

Tại Hậu Giang, qua 3 năm triển khai và thực hiện giáo dục STEM đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về vị trí vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường, với gần 1.000 sản phẩm STEM đã thực hiện, tham gia giải quyết các vấn đề gắn kết thực tiễn. Để thúc đẩy giáo dục STEM, trong 2 năm qua, tỉnh đã tổ chức Ngày hội STEM dành cho học sinh trung học.

Giáo dục STEM đã góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

 “Bên cạnh khuyến khích đưa chương trình STEM vào giảng dạy, Ngày hội STEM dành cho học sinh trung học được tổ chức trong những năm qua, là sự kiện với mục tiêu tạo cơ hội để học sinh giao lưu, trải nghiệm các sản phẩm STEM do chính mình làm ra trong quá trình học tập, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Hậu Giang là tỉnh tiên phong tập huấn bồi dưỡng giáo dục STEM cho tất cả giáo viên trung học thuộc các môn của STEM…”, ông Hiền chia sẻ thêm.

STEM là một chương trình giảng dạy được thiết kế để trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineer), toán học (Math).

Thuật ngữ STEM ra đời do ghép bốn chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của bốn chuyên ngành tự nhiên quan trọng mà nó hướng đến.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>