Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đụng đâu cũng khó, gỡ sao đây ?

06/03/2024 | 07:59 GMT+7

Thực hiện song song hai “sứ mệnh” giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX), các đơn vị luôn nói nhiều đến chuyện vượt khó nhưng thực tế số lượng các trung tâm hoạt động hiệu quả không nhiều.

Bài 2: Lợi thế có, phải cần phát huy nội lực và cần nhiều trợ lực

Các trung tâm GDNN-GDTX được xác định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng theo nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, nhưng cần làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo ?

Phát huy lợi thế học “3 năm lấy 2 bằng”

Tại hội nghị mới đây do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, nhiều hiến kế từ các đơn vị ngoài tỉnh được xem là kinh nghiệm quý cho Hậu Giang trong nâng chất GDNN-GDTX.

Chia sẻ về lợi thế, các trung tâm GDNN-GDTX đều thông tin: Học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề trung cấp tại trung tâm theo hình thức liên kết, được học song song chương trình văn hóa GDTX cấp THPT trong 3 năm (theo quy định của Bộ GD&ĐT) và học trung cấp nghề trong 2 năm (theo Luật GDNN). Sau khi tốt nghiệp THPT, sẽ có bằng trung cấp, làm hành trang để tiếp tục học lên cao đẳng, đại học hoặc có thể đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sớm tham gia thị trường lao động.

Là một trong những đơn vị hoạt động khá hiệu quả ngay sau khi sáp nhập, ông Phan Văn Lước, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, chia sẻ kinh nghiệm: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết đào tạo nghề tại địa phương, chúng ta cần đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp học sinh THCS và THPT. Tăng cường nắm bắt khuynh hướng nghề nghiệp, cung cấp các thông tin nghề nghiệp rộng rãi, thường xuyên tuyên truyền để người học hiểu đúng về GDNN. Cũng rất cần các chính sách hỗ trợ để thu hút học sinh như miễn học phí theo Nghị định 81; hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn vay ưu đãi; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, học nghề, cung cấp dự báo nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh…”.

Ông Bùi Bá Phúc, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Tận dụng những ưu thế sẵn có trong chức năng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng cho nhu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với trung tâm cũng khá dễ dàng. Từ kinh nghiệm của đơn vị mình, theo tôi cần tập trung vào công tác tư vấn tuyển sinh, đây là khâu khá quan trọng, cần làm tốt công tác tuyên truyền, bởi có nghe, có thấy thì phụ huynh, học sinh mới biết và hiểu ở trung tâm được học cái gì, lợi thế ra sao. Các vấn đề như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sự chủ động liên kết để có nhiều ngành, nghề mới đáp ứng theo nhu cầu người học… là những nhân tố quyết định chất lượng hoạt động”.

Việc song hành dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở các trung tâm GDNN-GDTX được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp.

Thực hiện cùng lúc hai chức năng GDNN-GDTX được xem là “sứ mệnh” lớn trong đào tạo nguồn nhân lực và các trung tâm rất cần những trợ lực mạnh hơn hiện tại.

Giải pháp từ Hậu Giang

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, thông tin: Để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ cho các trung tâm, thực hiện các giải pháp nâng chất lượng giáo dục, tạo sức hút đối với người học. Tranh thủ kinh phí đầu tư bổ sung thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo đúng và đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học viên.

Nhìn nhận bức tranh GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tham mưu thực hiện tốt Thông tư 01 về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào cơ sở GDNN. Cần nghiên cứu, đề xuất, ban hành cơ chế, bố trí kinh phí cho trung tâm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng, đào tạo lao động tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề có sự tham gia của doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ đào tạo tay nghề, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả những giải pháp nâng cao chất lượng GDNN-GDTX, chất lượng nguồn lao động, nguồn nhân lực tại địa phương. Triển khai thực hiện các giải pháp, mô hình, cách làm hay để nâng cao chất lượng GDNN-GDTX, chất lượng nguồn lao động tại địa phương. Tăng cường các hoạt động liên kết với các trường, đơn vị chất lượng để đào tạo ngành nghề mới, đáp ứng thị trường…

Với những định hướng cụ thể của tỉnh, cùng những chia sẻ kinh nghiệm hay của các đơn vị là cơ sở quan trọng để GDNN-GDTX nâng tầm. Tuy nhiên, để trở thành mắt xích quan trọng trong đào tạo nghề phục vụ phát triển của tỉnh thì cần những hành động quyết liệt, quan tâm đầu tư mạnh hơn hiện tại...

Trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện gồm: huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy.

Từ năm 2015, các trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện được sáp nhập hoặc bổ sung chức năng theo quy định Thông tư liên tịch số 39 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động đang công tác tại các trung tâm là 164 người.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>