Nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vẫn phải đào tạo lại

09/11/2023 | 13:07 GMT+7

Đại diện một tập đoàn lớn tại Việt Nam chia sẻ, khoảng cách giữa nội dung đào tạo của trường đại học với thực tế nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn rất xa.

Ảnh minh họa. Lawnet

Tại Hội thảo Giáo dục 2023 tổ chức cuối tuần qua, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, một trong những vấn đề đặt ra chính là hiện tượng, nhiều trường đại học, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc đang chiếm ưu thế trong tổng số lượng tốt nghiệp mỗi năm. Các chuyên gia đã đề nghị các trường Đại học xem lại chính sách xếp loại tốt nghiệp, không nên để tình trạng sinh viên xếp loại giỏi và xuất sắc nhưng ra trường phải đào tạo lại.

Đại diện 1 tập đoàn lớn tại Việt Nam chia sẻ, khoảng cách giữa nội dung đào tạo của trường đại học với thực tế nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn rất xa. Hiện đang có sự bất cập trong đánh giá sinh viên tốt nghiệp, khi mà tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số cơ sở giáo dục đại học lên tới 99%.

Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel cho biết: "Lấy một bằng chứng là 2.000 sinh viên bằng xuất sắc và giỏi thì chúng tôi chỉ chọn được 100 sinh viên thôi. Cần có 1 chính sách chung đánh giá lại thực chất chương trình đào tạo hiện nay, không để xuất sắc với giỏi cao như thế".

Theo khảo sát của phóng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở các trường khối kỹ thuật như Đại học Bách Khoa Hà Nội dao động trong khoảng trên 30%. Ở các trường khối Kinh tế, tỷ lệ này lên tới hơn 70%. Rất nhiều trường đại học thời gian gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp bằng trung bình chiếm phần rất nhỏ, khoảng trên dưới 1%.

Các trường cho rằng, không phải tỉ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc tăng mạnh đồng nghĩa với việc sinh viên ngày nay giỏi hơn sinh viên trước đây, mà do cách đào tạo và đánh giá đã thay đổi. Chính các sinh viên cũng cho rằng, việc học theo tín chỉ đã tạo nhiều cơ hội cho người học cải thiện điểm số.

Sinh viên Chu Tuấn Đức, đang theo học năm thứ 5, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: "Các bạn có cơ hội để cải thiện điểm, tức là đăng ký vào kỳ sau để học cải thiện. Sẽ học nhóm nhiều nên mọi người sẽ được lợi từ các bạn học giỏi hơn. Có những sinh viên học để lấy điểm, thì sẽ học cách để lấy điểm hơn là kiến thức".

Hiện nay, việc ra đề và đánh giá năng lực sinh viên nhiều trường chưa thực sự khoa học và phù hợp với chuẩn đầu ra của bộ môn. Tại một số trường đại học, đã hình thành bộ phận khảo thí thực hiện độc lập với giảng viên, nhằm thực hiện ra đề và chấm thi. Với các môn thi có tỷ lệ điểm cao hoặc thấp đều được phân tích nguyên nhân, để có các điều chỉnh cách dạy và đề thi cho phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Phong Điều, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Một đề thi được coi là khó hay dễ cũng có cơ sở khoa học, phải chuẩn hóa và được thi thử trong cộng đồng sinh viên, chứ không thể theo thầy bảo dễ thì dễ mà khó thì khó. Tất cả sự thiếu hụt năng lực kiểm tra đánh giá của giáo viên khi tổ chức đánh giá, đặc biệt là học phần cuối kỳ, dẫn tới việc điểm thi không phản ánh đúng thực chất và không bám sát được mục tiêu mong đợi của môn học".

Còn nhà tuyển dụng cho rằng, tấm bằng giỏi xuất sắc có lợi thế khi ứng tuyển ban đầu tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó chỉ đủ qua vòng xét hồ sơ, quan trong nhất vẫn là năng lực làm việc thực tế.

Bà Nguyễn Thái Hà, chuyên gia tư vấn tuyển dụng doanh nghiệp chia sẻ: "Hiện nay các công ty có hệ thống bài test riêng, bởi vì họ thấy rằng chỉ trả lời phỏng vấn miệng và bằng cấp là không đủ, vì vậy họ đưa luôn tình huống mà vị trí đấy sẽ gặp trong thực tế vào bài test để kiểm tra năng lực thực tế của các ứng viên.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường đại học cần xem xét lại tiêu chí đánh giá sinh viên, kiểm soát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần đào tạo theo "tín hiệu thị trường" và sát với thực tế doanh nghiệp hơn.

Theo VTV

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích