Đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển tỉnh nhà

18/01/2024 | 08:02 GMT+7

Với mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực, một trong những yếu tố then chốt là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và tỉnh đã có những hướng đi, giải pháp cho vấn đề này, với việc hợp tác cùng các viện, trường hàng đầu trong khu vực và cả nước.

Đoàn công tác của tỉnh Hậu Giang trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.

Hướng đi đúng, nhiều kỳ vọng

Phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… là nội dung cốt lõi của biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2028. Với vai trò là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh xem việc hợp tác với tỉnh Hậu Giang là một trong những cam kết của đơn vị về phục vụ phát triển địa phương.

Chia sẻ về định hướng hợp tác, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng, Tổng Giám đốc ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi rất trăn trở trong số 300-400 sinh viên Hậu Giang đang học tại các trường trực thuộc, sau khi tốt nghiệp sẽ có bao nhiêu em quay về làm việc cho tỉnh nhà. Do đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận rất quan trọng. Cá nhân tôi là thầy giáo, tôi rất mong muốn các em có thể quay về địa phương để cống hiến. Tỉnh nên có chiến lược hỗ trợ, kết nối gắn kết sinh viên của tỉnh đang học tại trường. Chúng ta có thể đặt mục tiêu ban đầu tuyển dụng khoảng 3-5 em, số lượng sẽ nâng lên dần, đây là cách thu hút các em rất xuất sắc của tỉnh về địa phương”.

Với vai trò là đơn vị trực thuộc ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, bàn về vấn đề đào tạo sau đại học PGS.TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chia sẻ: “Nhà trường đã từng phối hợp với Trường CĐCĐ Hậu Giang, mở được 1 khóa đào tạo thạc sĩ đặt tại địa phương, do nguồn tuyển không nhiều, nên về sau cũng không mở thêm được lớp nào. Về việc đào tạo trình độ thạc sĩ cho tỉnh, theo tôi có nhiều vấn đề đặt ra là số lượng người học không nhiều, theo quy định không được đào tạo sau đại học ngoài cơ sở đào tạo nên rất khó để đặt lớp tại tỉnh”.

Nhìn nhận thực tế của địa phương qua các đề xuất hợp tác của UBND tỉnh Hậu Giang, Ths. Trần Thanh Phong, Tổ trưởng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Quốc tế, đề xuất: “Để có nguồn cán bộ, công chức chất lượng cao, chúng tôi đề xuất chúng ta có thể mở các lớp thạc sĩ quản lý công cho cán bộ, công chức. Riêng về khoa học công nghệ, nhà trường có đội ngũ thầy, cô mạnh về kỹ thuật y sinh và công nghệ sinh học, chúng tôi đề xuất tỉnh có thể thực hiện đề tài phục vụ ngay tại địa phương. Cụ thể, đề tài nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học phòng, chống nấm bệnh cho cây sầu riêng phù hợp nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang; đề tài nghiên cứu phát triển cảm biến sinh học cho việc chẩn đoán tại chỗ dịch tả heo châu Phi. Với thế mạnh về logistics, tỉnh có thể nghiên cứu thực hiện chiến lược phát triển logistics”.

Từng bước khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực

TS. Dương Tôn Thái Dương, Phó Trưởng ban, Phụ trách Ban Đào tạo, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua đề xuất của tỉnh, chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng các mô hình đào tạo theo hướng ngắn hạn, đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Phía tỉnh cần xác định các vị trí việc làm cần thiết, xác định chỉ tiêu tuyển dụng… để chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu. Riêng các lớp liên kết đặt lớp cao học tại địa phương, chúng tôi nghiên cứu mô hình học tập trực tuyến để giảm bớt chi phí, tiết kiệm thời gian”.

Năm 2004, khi mới thành lập, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất vùng ĐBSCL. Qua 20 năm, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng ở từng giai đoạn; GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2004; quy mô kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2004; giai đoạn 2021-2023 bình quân mỗi năm thu tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với dự toán giao. Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới…

Và để hiện thực hóa mục tiêu lớn của tỉnh nhà, liên kết đào tạo, hợp tác với các viện, trường đại học sẽ được kỳ vọng giúp từng bước khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu đưa Hậu Giang phát triển khá trong vùng, để đạt được mục tiêu trên UBND tỉnh nỗ lực thực hiện, nhất là trong giai đoạn 2024-2025. Tỉnh tập trung gỡ 3 cái khó là cơ chế chưa hoàn thiện, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Hậu Giang xác định muốn phát triển nhanh phải có nguồn nhân lực, tỉnh đã xây dựng nghị quyết phát triển nguồn nhân lực và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Một trong những nội dung hợp tác với ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là nhằm cụ thể những chủ trương phát triển này.

Ngày 28-7-2023, Biên bản ghi nhớ hợp tác được UBND tỉnh Hậu Giang và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh ký kết.

Để cụ thể hóa việc hợp tác, mới đây UBND tỉnh Hậu Giang đã đề xuất hợp tác với ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 với các nội dung hợp tác các lĩnh vực về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; lĩnh vực giáo dục và đào tạo; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực công nghệ thông tin; lĩnh vực văn hóa, du lịch…

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>