Xây ước mơ an cư

22/05/2019 | 08:21 GMT+7

Thấu hiểu được mong muốn có được mái nhà lành lặn của người khuyết tật, thời gian qua, các hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã và đang ra sức vận động xây dựng nhiều căn nhà tình thương khang trang, từng bước xóa dần những căn nhà tạm bợ cho các đối tượng.

Đối với gia đình anh Trần Anh Tài, ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, có được mái nhà lành lặn là niềm vui rất lớn.

Những ngày này, có dịp trở về ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, để thăm lại ngôi nhà tình thương khang trang vừa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, vận động hỗ trợ xây cho gia đình bà Trần Thị Liên, mới cảm nhận hết niềm vui của một gia đình nghèo luôn mơ về một mái nhà lành lặn. Chồng bà Liên mất cách đây hơn 20 năm, trong một lần bị bệnh nặng. Từ đó, bà phải một mình làm thuê nuôi 4 người con, trong đó có 2 người con bị nhiễm chất độc da cam, hiện một người đã mất. Bà Liên nói: “Căn nhà trước đây của gia đình, cũng là nhà tình thương được địa phương cất cho, nhưng do xây dựng cũng lâu rồi, nên mái tôn bị dột, nền nhà lại thấp mưa xuống là ngập hết. Những ngày mưa lớn hay nước lên, để đứa con gái bị nhiễm chất độc da cam không bị trượt ngã, tôi phải cho cháu nằm trên võng suốt. Giờ có nhà mới rồi, không còn sợ cảnh nhà dột hay ngập nước nữa, tôi mừng lắm”.

Nhà không có đất đai sản xuất, thu nhập hàng ngày của gia đình lại bấp bênh, vì vậy 20 năm liền gia đình bà Liên vẫn không thể thoát nghèo. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Liên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng để cất lại nhà mới. Bà Liên chia sẻ thêm: “Từ khi có căn nhà lành lặn rồi, kinh tế gia đình cũng đỡ hơn. Giờ mấy mẹ con chỉ còn lo sinh hoạt hàng ngày, chứ không còn phải lo sửa nhà nữa”. Được biết, hiện kinh tế gia đình bà Liên chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê của người con trai thứ 3. Dù sức khỏe yếu do bị tai biến và không còn đi lại được bình thường, nhưng bà vẫn cố gắng chăm sóc đứa con gái 31 tuổi bị nhiễm chất độc da cam, không thể sinh hoạt và đi đứng được.

Không riêng gì bà Liên, đối với gia đình anh Trần Anh Tài, ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thì căn nhà tình thương được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh và địa phương hỗ trợ xây dựng, trị giá 56 triệu đồng, cũng đã kịp thời giúp gia đình vượt qua khó khăn. Anh Tài nói: “Nhà nghèo quá, nên làm gì có tiền để sửa hay cất lại nhà mới được, nếu không được các cấp, các ngành hỗ trợ chắc gia đình tôi phải lấy cao su che tạm ở qua ngày thôi. Có nhà mới rồi, giờ tôi có đi làm mướn cũng yên tâm hơn, không còn lo cho vợ con ở nhà mỗi khi trời mưa gió nữa”. Không chỉ là hộ nghèo, tinh thần của vợ chồng anh Tài cũng không được như người bình thường, do đó thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào công việc hái rau, bắt ốc và ai thuê gì làm nấy của hai vợ chồng. Bên cạnh đó, đứa con duy nhất của vợ chồng anh, do bị nhiễm chất độc da cam, nên dù đã 13 tuổi nhưng cháu rất nhút nhát, không thể nói chuyện và sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường.

Cũng chưa hết vui mừng khi đã được Hội Người mù tỉnh xem xét hỗ trợ 30 triệu đồng, để xây dựng căn nhà tình thương, thay cho căn chòi lụp xụp được che tạm của cả gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Tú, người mù ở ấp Nhơn Thuận 1B, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tâm sự: “Bán vé số kiếm sống từng ngày, vì vậy vợ chồng tôi nào dám nghĩ đến việc cất nhà khang trang như người ta, sửa nhà còn không có điều kiện nữa mà. Giờ được bên Hội Người mù hỗ trợ kinh phí, mấy chú bên Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo bỏ công ra cất giùm, vợ chồng tôi sắp có được căn nhà như mơ ước bấy lâu nay rồi, mừng lắm”. Cách đây 3 năm, đôi mắt của ông Tú bị cườm nước do điều trị không hết đã dẫn đến bị mù. Cũng từ đó, ông bắt đầu với công việc bán vé số dạo để nuôi cả gia đình. Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên đứa con trai duy nhất của vợ chồng ông cũng đã nghỉ học để mỗi ngày dẫn cha đi bán vé số, kiếm tiền mua thuốc cho người vợ đang bị bệnh tiểu đường.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành, các mạnh thường quân và sự nỗ lực vận động của các hội đoàn thể, tin rằng những ngôi nhà tạm của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh sẽ dần được xóa đi và thay vào đó là những mái ấm khang trang, lành lặn hơn. Đây sẽ là việc làm rất thiết thực giúp người khuyết tật có thêm nghị lực vươn lên để hòa nhập cộng đồng, xã hội. Được biết, trong năm 2018  vừa qua, vận động từ các nguồn tài trợ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, Hội Người mù tỉnh và các huyện, thị, thành hội đã hỗ trợ xây dựng được 24 căn nhà cho người khuyết tật. 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>