Vì sao Houthi liên tục tấn công tàu qua Biển Đỏ ?

13/03/2024 | 09:51 GMT+7

Liên tục tàu hàng các nước bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công trên Biển Đỏ đã khiến nhiều quốc gia phẫn nộ đáp trả gay gắt.

Lực lượng Houthi ở Yemen. Ảnh minh họa: AP

Mới đây, tàu hàng True Confidence khi đi qua vịnh Aden đã bị lực lượng Houthi tấn công khiến 3 thủy thủ thiệt mạng, trong đó có 1 người Việt Nam, 2 người Philippines và 4 người khác bị thương.

Tàu True Confidence, có chủ sở hữu tại Liberia, bị tấn công bởi các tên lửa của lực lượng Houthi khi đang ở gần vịnh Aden trên hải trình từ Trung Quốc tới Saudi Arabia và Jorrdan. Trên tàu có 4 thuyền viên Việt Nam, từ 15 - 20 người Philippines, 1 người Ấn Độ cùng 3 nhân viên an ninh. Hiện True Confidence đã được tàu chiến Ấn Độ lai dắt đến Djibouti và tiến hành hoạt động cứu chữa cho các nạn nhân.

Ngày 8-3 vừa qua, tàu chở hàng Propel Fortune (treo cờ và thuộc sở hữu của Singapore) đã bị hai tên lửa đạn đạo chống hạm của lực lượng Houthi phóng từ Yemen tấn công ở vịnh Aden. Hiện chưa có báo cáo về thương vong và thiệt hại nào.

Sau đó một ngày (hôm 9-3), lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã tiến hành cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) quy mô lớn vào Biển Đỏ và vịnh Aden. Đây là mối đe dọa với các tàu buôn, hải quân Mỹ và các tàu liên minh trong khu vực.

Theo Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM), tàu hải quân Mỹ cùng các tàu hải quân và máy bay liên minh đã bắn hạ 15 UAV. Những hành động này được thực hiện để bảo vệ quyền tự do hàng hải và giúp vùng biển quốc tế trở nên an toàn hơn.

Trước đó, hồi đầu tháng 3, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển vì trúng tên lửa của Houthi, tàu hàng Rubymar thuộc sở hữu của Anh đã chìm hoàn toàn, làm dấy lên lo ngại về thảm họa môi trường và nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Kể từ giữa tháng 11-2023, lực lượng Houthi đã bắt giữ một tàu thương mại; phóng hàng trăm tên lửa, UAV và thuyền mang bom có điều khiển từ xa nhằm vào các tàu thương mại cũng như các tàu hải quân trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Yemen. Houthi tuyên bố các cuộc tấn công nhằm gây sức ép buộc Israel dừng các hoạt động quân sự tại Dải Gaza cũng như cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này.

Trong thời gian gần đây, những vụ tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ ngày càng mở rộng cả về phạm vi lẫn mức độ. Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế đã ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế có những hành động tập thể quyết liệt hơn nữa để bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đỏ.

Tổ chức Hàng hải quốc tế nhấn mạnh rằng thương mại quốc tế sẽ không thể vận hành nếu thiếu vận tải biển, nhưng vận tải biển sẽ không thể hoạt động nếu sự an toàn của các thuyền viên không được đảm bảo.

Trước những diễn biến trên, nhiều quốc gia đã có hành động đáp trả quyết liệt. Trong số đó, liên quân Mỹ - Anh đã đáp trả bằng nhiều cuộc không kích nhằm vào những cơ sở của Houthi ở Yemen, khiến Houthi mở rộng mục tiêu sang các tàu thương mại và tàu hải quân của Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, giới quan sát lại quan ngại, về lực lượng lẫn vũ khí Houthi không thể so với Mỹ chưa nói đến liên quân thì tại sao lực lượng này lại đủ điều kiện để gia tăng tấn công? Lý giải điều này chỉ có một đáp án là phía sau Houthi có lực lượng hậu thuẫn cung cấp vũ khí. Trong số đó, Iran là quốc gia bị nghi vấn nhiều nhất.

Trong một động thái liên quan, tiếp sau Nga, Iran muốn xây dựng căn cứ ở Biển Đỏ nhưng đã bị Sudan từ chối. Ông Ahmed Hassan Mohammed, quan chức Sudan cho rằng, việc Iran đề nghị xây dựng căn cứ ở Sudan cho thấy các cường quốc trong khu vực đang cố lợi dụng cuộc nội chiến đã kéo dài 10 tháng ở nước này nhằm giành chỗ đứng tại Sudan, vốn là mắt xích chiến lược giữa Trung Đông và tiểu vùng châu Phi hạ Sahara và có đường bờ biển dài 600km với Biển Đỏ.

Từ những yếu tố trên cho thấy, phía sau Houthi có thể có nhiều nước hậu thuẫn. Nếu đúng như vậy, nhiều khả năng Biển Đỏ sẽ càng nổi sóng và khó tìm được hồi kết.

HN tổng hợp 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>