Sức nóng thương chiến Mỹ – Trung

25/08/2019 | 12:29 GMT+7

Ngay sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 5% và 10% đối với 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ - Trung trả đũa thuế quan khiến giá vàng tiếp tục đi lên. Ảnh: Reuters

Theo đó, Nhà Trắng sẽ nâng mức thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% bắt đầu từ ngày 1-10 và nâng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 1-9.

Việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả thuế quan lẫn nhau ngày 23-8 vừa qua là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia vốn bắt đầu cách đây hơn 1 năm khi Mỹ áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hoạt động thương mại bất bình đẳng.

Ngay sau đó không lâu, Tổng thống Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ cắt đứt quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump khi yêu cầu các công ty Mỹ chấm dứt làm ăn với Trung Quốc đã cho thấy một mối đe dọa mới đối với sự hợp tác đa phương của Mỹ khi các doanh nghiệp nước này đã dành nhiều năm để đầu tư vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng tăng lên.

Các nhóm bảo thủ cũng bất ngờ trước yêu cầu của ông Trump khi cho rằng họ không nghĩ Tổng thống sẽ đưa ra một hành động leo thang căng thẳng đáng kể như vậy.

Theo các nhà phân tích chính sách, những người đã theo dõi cẩn thận cuộc chiến thương mại, phe diều hâu trong chính quyền - như cố vấn thương mại của ông Trump, Peter Navarro - cho rằng việc cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc là cần thiết để bảo đảm sự thống trị của Mỹ.

Cuộc thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn đang đặt ra câu hỏi ai có thể chịu đựng được lâu hơn. Trong cuộc chiến này, cả hai đều tận dụng tối đa quân bài của mình để mặc cả. Với Tổng thống Trump, đó là thuế quan. Với Trung Quốc, đó là thời gian.

Ông Trump đã tự tin dự đoán rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ vì Trung Quốc sẽ không thể chịu thiệt hại cho nền kinh tế của mình. Thực tế là cuộc chiến thuế quan đang có ảnh hưởng, khiến tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đang xuống thấp.

Còn Bắc Kinh có thể đang tính toán rằng Trump sẽ không thể chịu được sức nóng chính trị của cuộc chiến thương mại khi cuộc đua tái tranh cử đến gần và ông Trump có thể cân nhắc đến việc lùi bước. Bắc Kinh đã cố tình nhắm mục tiêu vào nông nghiệp - một ngành công nghiệp đặc hữu của các tiểu bang miền Trung Tây mà ông Trump cần phải giành chiến thắng trong cuộc đua năm 2020. Vì vậy, Tổng thống Trump phải đối mặt với một vấn đề nan giải không kém.

Nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc nói riêng đều đang chịu các tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm khi sản lượng của các nhà máy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Các lãnh đạo của các ngân hàng Trung ương tại châu Âu, châu Á và Australia đều cắt giảm lãi suất trong những tuần gần đây. Doanh thu của xuất khẩu Mỹ cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8-2009. Khi xuất khẩu giảm, các nhà sản xuất sẽ phải đối phó bằng cách cắt giảm sản xuất và dẫn tới việc giảm số lượng các công việc.

Theo các nhà phân tích, các bước đi ăn miếng trả miếng này của Mỹ và Trung Quốc là cú giáng mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh châu Âu đang trở nên mong manh hơn do các cuộc khủng hoảng chính trị tại Italia và Anh, trong khi nước Đức cũng đang bên bờ vực suy thoái.

Dự kiến, ông Tập Cận Bình và ông Trump sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào tháng 11. Nhưng với cuộc chiến thương mại đang trở nên tồi tệ hơn, hy vọng cho một giải pháp có vẻ rất xa vời.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>