Khó giải bài toán nhân đạo ở Dải Gaza

09/11/2023 | 08:40 GMT+7

Hơn một tháng xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza, cả hai phía đều tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ.

Không quân Israel không kích Dải Gaza. Ảnh: AP

Theo Al Jazeera, không quân Israel thông báo đã tập kích 12.000 mục tiêu trong thời gian một tháng xung đột. Quân đội Israel đã trút xuống Dải Gaza khoảng 18.000 tấn bom.

Phần lớn số bom được thả xuống Dải Gaza thuộc dòng Mk80 do Mỹ sản xuất. Sau nhiều năm phát triển, một số phiên bản của loại bom này đã trở thành “bom thông minh”, có thể tấn công chính xác các mục tiêu phức tạp. Những quả bom thuộc dòng này được chế tạo với nhiều kích cỡ khác nhau, có trọng lượng từ 120kg đến 1 tấn.

Các chuyên gia quân sự nhận định, không quân Mỹ tốn trung bình 16.000 USD để mua một quả bom nặng 1 tấn. Với một khách hàng nước ngoài như Israel, con số này có thể lên tới 25.000 USD. Nếu sử dụng bom thông minh, chi phí sẽ tăng nhiều lần do các thiết bị điện tử có giá thành rất cao.

Nguồn tin của Al Jazeera tiết lộ, loại máy bay được Israel sử dụng chủ yếu trong các cuộc không kích là F-16. Để thả 18.000 tấn bom cần khoảng 6.000 chuyến bay, tức mỗi tiêm kích F-16 của Israel sẽ phải thực hiện trung bình 1,5 lần xuất kích mỗi ngày (Israel có khoảng 170 chiếc F-16). Chi phí cho mỗi giờ bay của F-16 là 8.000 USD, tức không quân Israel tốn 2,5 triệu USD một ngày, tổng cộng là 75 triệu USD trong gần 1 tháng.

Ngoài ra, để duy trì chiến dịch không kích dài ngày, không quân Israel còn tiêu tốn một số tiền không nhỏ cho các hoạt động trinh sát, tác chiến điện tử, cảnh báo sớm trên không, chỉ huy và kiểm soát không lưu. Như vậy, Israel đã chi ra khoảng 2 tỉ USD cho việc không kích các mục tiêu tại Dải Gaza và con số này được dự báo sẽ còn tăng cao.

Hệ lụy của những đợt không kích dài ngày tại Dải Gaza đã tàn phá nặng nề và biến vùng đất này thành vùng đất chết. Theo đó, sau cuộc tấn công bất ngờ mang mật danh “Cơn đại hồng thủy Al Aqsa”, do Phong trào Hồi giáo Hamas và Nhóm thánh chiến Jihad ở Dải Gaza tiến hành vào miền Nam Israel sáng sớm ngày 7-10 khiến hơn 1.400 người chết, Israel đã đáp trả bằng phát động cuộc tấn công thảm khốc bằng không quân vào Dải Gaza với tên gọi “Gươm sắt”. Sau tròn một tháng tấn công tổng lực, quân đội Israel đã bắn hơn 1 vạn quả bom, tên lửa và đạn pháo vào Dải Gaza, biến vùng đất nhỏ hẹp ven biển Địa Trung Hải với gần 2,5 triệu cư dân này, trở thành một trong những khu vực chết chóc nhất trên thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II.

Thống kê mới nhất của Cơ quan Y tế Palestine tại Dải Gaza cho biết, chiến dịch tấn công tổng lực kéo dài tròn một tháng qua của quân đội Israel vào Gaza, đã khiến hơn 10.000 người chết cùng khoảng 25.000 người bị thương, gần 3.000 người bị chôn vùi trong các đống đổ nát và không còn khả năng sống sót. Hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 4.100 em bị chết, 11.000 em bị thương. Đây là số thương vong lớn nhất được ghi nhận tại Gaza kể từ khi vùng đất này được trao trả quyền kiểm soát cho người Palestine năm 2005.

Trước thảm họa trên, hàng loạt cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… đã mô tả các vụ giết hại cả người Israel và người Palestine trong tháng qua là “kinh hoàng”. Đồng thời đã đưa ra lời kêu gọi chung hiếm hoi về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza để tiến hành cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, sẽ có những “khoảng dừng nhỏ” trong các hoạt động quân sự ở Gaza để cung cấp viện trợ và thả con tin có thể xảy ra, nhưng sẽ không có lệnh ngừng bắn. Ông Netanyahu cho rằng: “Chúng tôi thực hiện việc này với sự phối hợp của những người bạn Mỹ và Tổng thống Joe Biden”, đồng thời lưu ý Tel Aviv đang làm mọi thứ có thể để cứu trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, để giải bài toán nhân đạo cần gấp một lệnh ngừng bắn tạm thời nhưng để lập lại hòa bình ở Dải Gaza thì cần một quá trình dài với nhiều bài toán khó đòi hỏi nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia liên quan cùng tham gia.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>