Hợp tác ngăn chặn rủi ro của AI

06/11/2023 | 07:08 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều lợi ích song các chuyên gia và nhà lãnh đạo ngành công nghệ bắt đầu bày tỏ lo ngại về khả năng mất kiểm soát của hệ thống siêu AI.

Các đại biểu của 28 nước và EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh an toàn AI ở Anh hôm 1-11. Ảnh: Getty

Báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% trong vòng 10 năm tới và 300 triệu việc làm toàn thời gian sẽ được tự động hóa, đồng thời gia tăng những công việc mới. Theo một báo cáo của PWC, AI sẽ đóng góp khoảng 15,7 ngàn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Một số liệu khác từ Statista: đến năm 2024, sẽ có khoảng 8,4 tỉ trợ lý giọng nói được sử dụng. Con số này có thể còn lớn hơn nếu các công ty ôtô và thương hiệu thương mại điện tử tiếp tục bổ sung trợ lý AI để tương tác với khách hàng. Còn với Google, các thuật toán AI đã giúp xử lý khoảng 7 tỉ truy vấn mỗi ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của AI thì đây sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây về năng lực tự học hỏi của AI như các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - Large Language models - mô hình xác suất có khả năng hiểu và sinh ngôn ngữ tự nhiên dựa trên các kiến thức được thu tập từ các tập dữ liệu cực lớn) đã làm dấy lên lo ngại về khả năng mất kiểm soát đối với các hệ thống siêu AI - một hệ thống có thể tự hành động một cách có chủ đích nằm ngoài khả năng giám sát hay can thiệp của con người.

Hay như mới đây, các mạng xã hội đang lan truyền một đoạn video giả về Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, theo đó dàn dựng cảnh tượng ‘ông’ nói chuyện theo kiểu quấy rối tình dục trên chương trình truyền hình được phát sóng ‘trực tiếp’. Đoạn video xuất hiện trên màn hình Đài Nippon TV. Đại diện của Đài Nippon TV khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi này tái diễn.

Theo báo Yomiuri Shimbun, người làm giả đoạn video trên là một thanh niên 25 tuổi, người tỉnh Osaka. Người này thừa nhận mình là tác giả “bản tin” gây sốt và sử dụng AI tạo sinh để dàn dựng. AI tạo sinh là dạng AI tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới, dựa trên dữ liệu hiện có.

Để hợp tác ngăn chặn rủi ro của AI, mới đây, 28 nước bao gồm Mỹ, Anh và Trung Quốc đồng ý hợp tác để đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng theo cách “lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm”. Cam kết này là một phần của tuyên bố Bletchley, được các nước lớn ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh An toàn AI ở Bletchley Park, Buckinghamshire, Anh, khai mạc hôm 1-11.

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, một loạt cuộc thảo luận bàn tròn đề cập đến các rủi ro do lạm dụng AI đối với an toàn toàn cầu, mất quyền kiểm soát AI cũng như những gì các nhà hoạch định chính sách quốc gia và cộng đồng quốc tế có thể làm để kiểm soát rủi ro cũng như nắm bắt cơ hội của AI.

Tỉ phú Elon Musk đã tham dự một phiên thảo luận về những rủi ro do mất quyền kiểm soát AI, có khả năng đề cập đến cái gọi là trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI), thông minh sánh ngang hoặc vượt con người. Phát biểu với báo chí bên lề hội nghị, ông cảnh báo: “Lần đầu tiên, chúng ta gặp phải tình huống có thứ gì đó sắp xuất hiện, thông minh hơn những con người thông minh nhất. Đối với tôi, chúng ta thực sự không thể kiểm soát được thứ như vậy”.

Hồi tháng 3, Musk cùng hàng trăm tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, ký bức thư ngỏ, kêu gọi các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới tạm dừng hoạt động đào tạo các hệ thống siêu mạnh mới trong vòng 6 tháng. Họ cảnh báo những tiến bộ gần đây trong trong lĩnh vực AI, nổi bật nhất là chatbot GPT của OpenAi, đang áp đặt “những rủi ro sâu sắc” đối với xã hội và nhân loại.

Hội nghị nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về AI ở Hàn Quốc trong 6 tháng tới và sau đó là một hội nghị trực tiếp về AI trong vòng một năm tới ở Pháp.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>