“Thời kỳ vàng” đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm

02/04/2024 | 08:01 GMT+7

“Từ các tiềm năng, thế mạnh hiện có trong “thời kỳ vàng”, muốn phát triển thì cần phải chuyển hóa thành những động lực như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, đó là phải biến các tiềm lực thành động lực vật chất, cân đong đo đếm được, làm cho đời sống người dân ngày càng được nâng lên, các chỉ số về hạnh phúc, ấm no của người dân ngày càng được đảm bảo”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nói.

Bài 3: “Tận dụng thời kỳ vàng”, hiện thực hóa khát vọng

Các tiềm năng, lợi thế trong “thời kỳ vàng” của tỉnh đã được đánh giá, nhận diện đầy đủ, toàn diện nhưng làm sao để tận dụng hiệu quả và không để cơ hội trôi qua mới là chuyện khó. Chính lẽ đó, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều định hướng, quyết sách nhằm tận dụng tốt “thời kỳ vàng”, hiện thực hóa các mục tiêu và khát vọng xây dựng Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Tỉnh tích cực kêu gọi nhà đầu tư tham gia khai thác các khu du lịch trên địa bàn. (Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phóng tầm mắt quan sát Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và có những chỉ đạo cụ thể).

Đón đầu cơ hội phát triển

Sau vài lần gặp gỡ, được chính quyền địa phương vận động và cũng thấy được lợi ích của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng) nên gia đình ông Nguyễn Thanh Dũng, ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, bàn giao 5.000m2 đất cho dự án.

Trong 130 hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Bình Thành, gia đình ông Dũng là hộ đầu tiên bàn giao mặt bằng, đồng thời còn góp sức vận động bà con xung quanh đồng thuận giống mình.

“Tôi thấy cao tốc được triển khai xây dựng sẽ mang lại lợi ích cho quê hương, bởi nhiều công ty, xí nghiệp sẽ mọc lên để “ăn theo” cao tốc, con cháu có việc làm ngay tại địa phương chứ không còn bôn ba đi làm ăn xa như trước. Do đó, người dân bàn giao sớm mặt bằng thì việc thi công sẽ nhanh chóng và thuận lợi”, ông Dũng chia sẻ.

Thấu hiểu “đại lộ sinh đại phú” nên nhiều hộ dân ở huyện Phụng Hiệp đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cao tốc. Đó là cách họ chào đón cơ hội phát triển đến với quê hương mình.

Phụng Hiệp được biết đến là huyện “4 nhất” của tỉnh gồm: Diện tích rộng nhất, dân số đông nhất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Tuy nhiên, huyện nghèo đang đứng trước cơ hội “đổi đời” thực sự khi trở thành “đại công trường” với hàng chục dự án đang triển khai thực hiện, trong đó có 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng) với chiều dài hơn 42km.

Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Vui cho biết, với việc thụ hưởng 2 tuyến cao tốc và 3 tuyến tỉnh lộ được nâng cấp và xây dựng mới là cơ hội không thể tốt hơn cho huyện kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp gắn với thương mại - dịch vụ. Song song đó, tỉnh cũng đã quy hoạch cho huyện các khu công nghiệp dọc theo các tuyến giao thông trọng điểm, sẽ giúp cho huyện chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp và ngành nghề khác. Cuộc sống người dân trong những năm tới sẽ phát triển vượt bậc so với hiện nay.

Đáng nói, trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phụng Hiệp cùng với thành phố Ngã Bảy được quy hoạch thành vùng công nghiệp - du lịch sinh thái, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái. Đây là thời cơ để Phụng Hiệp trở thành địa phương phát triển năng động của tỉnh trong tương lai.

Đón đầu cơ hội, huyện đề ra nhiều định hướng, giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài để tận dụng, khai thác.

Theo ông Trương Minh Kiêm, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện tập trung tranh thủ các nguồn lực để phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết sản xuất. Tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tại Cụm công nghiệp Tân Phước Hưng. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tỉnh lập quy hoạch các khu công nghiệp: Tân Bình, Long Thạnh, Tân Phước Hưng.

Định hướng của huyện Phụng Hiệp là chú trọng phát triển công nghiệp chế biến để vừa thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển và vừa giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho nông sản địa phương.

Về du lịch, sẽ tăng cường kết nối, đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tham quan trải nghiệm. Phấn đấu mỗi năm xây dựng một điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp…

Huyện Châu Thành có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp.

Ở tuổi 20, huyện Châu Thành tự hào, vươn mình phát triển mạnh mẽ, nhất là phát huy lợi thế “tiền sông - hậu lộ” với 7km Quốc lộ Nam Sông Hậu đi qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực đô thị - công nghiệp, logistics và thương mại - dịch vụ.

Địa phương này được định hướng trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh vào năm 2025, với diện tích quy hoạch công nghiệp là hơn 2.040ha. Đây là cơ sở để huyện công nghiệp hình thành đồng bộ về kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp, gắn phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa của địa phương.

Theo UBND huyện Châu Thành, để đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị của ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, huyện quan tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển; xem công việc của doanh nghiệp cũng là công việc của chính mình, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của địa phương.

Huyện còn chú trọng hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tích hợp vào quy hoạch phát triển chung của tỉnh; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của địa phương…

Biến cơ hội thành nguồn lực, động lực

Từ chỗ đồng thuận trong việc nhận diện những tiềm năng, lợi thế, cơ hội từ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của “thời kỳ vàng”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang đang nỗ lực biến các cơ hội, lợi thế thành nguồn lực, động lực phát triển.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, thời gian qua, tỉnh rất chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là việc ban hành các cơ chế cũng như việc triển khai các cơ chế, chính sách. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh đã ban hành 36 văn bản (nghị quyết, chương trình, đề án). Với hệ thống cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ, toàn diện chính là nền tảng, là kim chỉ nam cho Hậu Giang phát triển bền vững cho giai đoạn trước mắt và cả lâu dài.

Đơn cử như Chương trình hành động số 50 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.

Chương trình này có 4 quan điểm chủ đạo là “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”; xác định mục tiêu chiến lược là cải thiện thứ hạng của Hậu Giang trong khu vực và cả nước. Theo đó, đến năm 2025, Hậu Giang cải thiện về quy mô kinh tế và thu ngân sách; đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực, tiến tới cả nước và là tỉnh đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, điều tiết ngân sách về Trung ương. Đây là những tham vọng rất lớn.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nói: Với những cơ hội, vận hội mới đã mở ra, tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tận dụng, khai thác. Trước hết, xây dựng và triển khai kế hoạch để thực hiện quy hoạch của tỉnh, trong đó bám sát vào các nội dung, tiến độ đã được xác định trong quy hoạch. Tập trung triển khai nhanh 2 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh, đó là khu công nghiệp Đông Phú 2 và Khu công nghiệp Sông Hậu 2 đặt tại huyện Châu Thành với diện tích 614ha. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư vào cùng triển khai và phát huy hiệu quả 2 khu công nghiệp này.

Nhấn mạnh lĩnh vực nông nghiệp là bệ đỡ để nâng cao đời sống của người dân nông thôn, ông Đồng Văn Thanh cho biết tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung và phân vùng để chuyên canh các loại cây trồng, trong đó có cây ăn quả, nuôi thủy sản. Đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác các khu du lịch, trọng tâm trong đó là khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, chợ nổi Ngã Bảy và du lịch tàu Xà No đã được khai thác trên kênh xáng Xà No gắn với khai thác vùng khóm Cầu Đúc. Tập trung phát triển 3 đô thị lớn: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, gắn với đó là khai thác khu đô thị công nghiệp nằm ở huyện Châu Thành. Từ đó sẽ tạo ra được nguồn kinh phí lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiến kế khai thác “vàng”

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL:

- Để tận dụng tốt “thời kỳ vàng” thì Hậu Giang cần có chính sách thật tốt để thu hút nhà đầu tư, tạo ra môi trường kinh doanh tốt, bởi khi doanh nghiệp thấy rằng đến với tỉnh sẽ tạo ra lợi nhuận, đến đây sẽ phát triển được thì doanh nghiệp sẽ tìm đến đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đang có chiến lược phát triển rất rõ ràng về số hóa. Nếu tận dụng tốt cơ hội này thì có thể “chạy đua” trong việc thu hút đầu tư.

-----------------

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II:

- Để phát huy được lợi thế của Hậu Giang trong “thời kỳ vàng” thì cần chú ý đến nguồn nhân lực của địa phương. Cần xây dựng một nguồn nhân lực với khát vọng vươn lên; cán bộ phải có tầm nhìn, rất giỏi về chuyên môn và có thái độ hành vi tốt.         

-----------------

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam:

- Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Hậu Giang cần chú trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn; phát triển chuỗi giá trị của tỉnh và liên kết vùng nhằm thu hút nguồn hàng của các trung tâm logistics đã có hiện tại và được xây dựng trong tương lai; quan tâm phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho các doanh nghiệp logistics hoạt động tại địa phương.     

 

Hiện thực hóa khát vọng

Để phát huy nội lực, tận dụng “thời kỳ vàng”, năm 2024-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chọn chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy nội lực, “tận dụng thời kỳ vàng”, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm”. Qua đó, đẩy mạnh học tập, làm theo gương Bác trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, quyết tâm tận dụng tốt “thời kỳ vàng”.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

------------

Bài 4: Để “vàng” mãi là “vàng”

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>