Hai Oanh hết lòng với bộ đội

27/04/2021 | 08:11 GMT+7

Vóc người không lớn lắm nhưng bà kể, có lần giặc đổ quân, anh em không ai dám thì một mình bà cõng xác chết đem xuống hầm giấu...

Bà Hai Oanh kể lại thành tích của mình được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.

73 tuổi, bà Trần Kim Oanh (Hai Oanh), ở ấp Phú Đông, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, vẫn nhớ như in những năm tháng tham gia cùng cách mạng cứu thương, chăm sóc bộ đội giai đoạn 1968-1973.

Bà Hai Oanh sinh ra trong gia đình có đến 11 người em nên khi xin tham gia cách mạng, mẹ bà nhất quyết không cho vì phải ở nhà trông em tiếp. Nhưng với lòng căm thù giặc, yêu quê hương nên bà lén hoạt động ở ấp, xã, riết rồi mẹ ba cũng không rầy la.

17 tuổi, bà được trên đưa đi học cứu cấp, tải thương, 18 tuổi bà học cứu thương, về làm Thường trực Dân y huyện; rồi làm Trưởng trạm xá 1 (chăm sóc bộ đội bị thương nặng), từ đó, bà gắn bó với nhiệm vụ này nhiều năm.

Hai Oanh kể, trạm có 4-5 người thì hầu như thay phiên nhau trực, chăm sóc bộ đội bị thương suốt ngày đêm, rất gian nan. Hồi đó, trạm của bà ở kinh Thầy Cai (xã Phú Tân hiện nay) có đến hơn chục hầm trú ẩn, hễ khi nào địch đổ quân càn quét là phải chuyển dìu, khiêng, cõng từng người xuống hầm, không để ai nằm phía trên.

 “Có đến 3 lần lính đổ bộ đánh phá gần trạm, anh em ai cũng có nhiệm vụ chuyển thương và không ai dám vác xác chết đem giấu hết. Vậy là tôi phải nằm ngửa trên xác đó, tay vòng sau cổ tử thi còn 1 chân thì ngoéo ngoặt chân của người chết lấy thế đứng dậy rồi vác chạy riết ra hầm giấu, tổng cộng tôi vác đến 3 xác trong 3 lần địch đổ quân”, bà Hai nhớ lại.

Trạm của bà chữa trị nhiều nhất là 7-8 bệnh nhân, vào đây rồi thương binh được lo luôn chuyện cơm cháo, vệ sinh cá nhân, vì vậy anh chị em rất cực. Bà Oanh nhớ lại: Người bị thương nặng thường rên la suốt nên bà và cán bộ phải thay phiên trực, thuốc men liên tục, như trường hợp của thương binh tên Công, bị dập não, anh em phải tận tình săn sóc đêm ngày mới qua khỏi.

Những năm địch phản kích dữ dội, bộ đội bị thương nhiều và đơn vị của bà phải thường chuyển địa điểm nên cực khổ trăm bề; có lúc băng quấn vết thương được thay giặt liên tục, máu nhuộm đỏ cả một khúc kinh. Thuốc men ít, ăn uống kham khổ nên bà nói có lần nghe nói điều thêm y bác sĩ về đây chi viện nhưng họ không chịu. Vậy là bà và mấy anh chị em cũ phải gánh vác công việc.

Về chuyện thiếu thuốc men khi điều kiện hậu cần không cho phép, bà Hai nói phải nhờ người thân, người quen ở gần đó đi mua. Mua thì dễ nhưng vận chuyển rất khó vì lính kiểm soát rất chặt. Hai Oanh nhớ lại: “Có mấy lần nhờ ba mẹ bà mua thuốc, khi đi họ phải mang theo mấy bao trấu dưới ghe, mua xong phải nhét thuốc vào giữa bao trấu mà chở về, nếu không, bị phát hiện là không yên với lính”.

Nói về chuyện bộ đội bị thương nhiều phải chuyển đến đây cùng lúc, bà Hai Oanh nhớ có khi 3-40 người nằm chờ, phải hết sức cố gắng mới chữa trị được hết cho anh em; khi bộ đội khỏe sẽ chuyển xuống tuyến 2 chứ không ở đây hết được. Giọng bà Oanh chậm lại: “Có khi chờ lâu, thương binh mất nhiều máu, kiệt sức mà qua đời, có anh khi liệm chỉ 1 bộ đồ dính da, tội nghiệp đứt ruột…”.

Nén đau thương thành hành động, dù khốn khó thế nào bà Hai vẫn dặn lòng phải kiên cường hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ mấy anh thương binh, bà Hai thay đổi bầu không khí bằng chuyện vui rằng có trường hợp vào đây mê man nên bà ưu tiên nằm trên… đùi bà mà săn sóc. Rồi có anh bộ đội được trị lành bệnh, mến tay mến chân nên khi về đơn vị cũ đã làm thơ gửi tặng bà:

“Chim ơi mang cánh thư này

Mang cho đến chốn cho người mở xem

Xem rồi chim lại bay về

Nếu không tin tức đừng về nghe chim”.

Cánh thư ấy cũng làm động lòng người nhận, nhưng vì chiến tranh và rồi sau đó Kim Oanh hay tin tác giả của 4 dòng thư ấy hy sinh…

Hai Oanh bị địch phát hiện trong 1 lần chuyển thương, lần ấy máy bay địch quầng thảo bắn giết, bà Hai may mắn sống sót nhưng bị thương nặng phải nằm điều trị ở Trạm do mình quản lý…

Rồi bà không còn tham gia cách mạng nữa vì nhiều lý do. Ngày hòa bình, bà nhớ lại lòng vui như mở hội, bởi hồi những năm tháng ác liệt, bà từng ao ước một ngày đất nước thanh bình.

Bà Trần Kim Oanh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, công trạng của bà góp cùng với thành tích của quân dân Châu Thành đưa quê hương đến ngày toàn thắng 30-4-1975.

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>