Hiệu quả mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

23/10/2023 | 08:06 GMT+7

Trên địa bàn huyện Châu Thành A xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Hiệu quả do các mô hình, điển hình này mang lại góp phần thực hiện tốt các phong trào, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Khối dân vận xã Tân Hòa ra mắt mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao”.

Giúp nông dân tăng thu nhập

Nhận thấy nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã dù chí thú làm ăn nhưng thu nhập không cao, nguyên nhân là do một số hộ còn tự phát trong trồng trọt, chăn nuôi, chưa có sự liên kết trong sản xuất, thiếu kiến thức khoa học – kỹ thuật, thiếu vốn. Trước thực trạng đó, vào ngày 28-4-2022, Đảng ủy, Khối dân vận xã Tân Hòa ra mắt mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao”, có 15 hộ dân ở ấp 6B tham gia.

Triển khai thực hiện mô hình này, Khối dân vận xã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc liên kết sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.

Cùng với đó, Khối dân vận xã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và các biện pháp phòng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho một số hộ được tiếp cận nguồn vốn hơn 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải tạo vườn tạp. Đặc biệt là các hộ còn tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký mã vùng trồng cho một số sản phẩm nông nghiệp như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, bưởi da xanh, vú sữa…

Ra mắt thực hiện chưa lâu nhưng mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rất thiết thực. Cụ thể, với cây lúa, từ khi áp dụng “3 giảm, 3 tăng” thì nông dân đạt năng suất, chất lượng cao hơn trước, giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng từ 1,5- 2,5 triệu đồng/công. Về cải tạo vườn tạp, có 5 hộ cải tạo được 2ha, trên diện tích này đã trồng các loại cây ăn trái được 5-7 tháng tuổi. Đối với các hộ nuôi heo đã xuất bán 8 tấn heo thịt mỗi năm, thu về số tiền hơn 500 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 2-2,5 triệu đồng/100kg…

Ông Phan Minh Tú, ở ấp 6B, cho biết: “Lợi ích của việc tham gia tổ hợp tác là 6 công đất trồng xoài cát Hòa Lộc của gia đình tôi được chăm sóc theo nhật ký, có mã vùng trồng, việc quản lý các nguồn bệnh, truy xuất nguồn gốc được dễ dàng. Chúng tôi còn được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để cây ra bông, ra trái nhiều hơn, được hướng dẫn làm đê bao khép kín, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học. Từ đó, giảm nhẹ chi phí chăm sóc xoài nhưng lợi nhuận thu được cao hơn trước”.

Với nhiều hiệu quả mang lại nên “Tổ hợp tác phát triển kinh tế có thu nhập cao” tại ấp 6B đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành A đánh giá là mô hình mang tính đột phá, sáng tạo và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen công nhận là mô hình “Dân vận khéo” điển hình. Tổ hợp tác đã kết nạp thêm 6 hộ, tổng số thành viên hiện có là 22, tất cả có thu nhập từ 130 triệu đồng đến 250 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt là thành viên của tổ hợp tác đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp xã trở lên.

Theo ông Bùi Thanh Như, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành A, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện có 57 mô hình mới và 44 mô hình duy trì, nâng chất. Dù mỗi mô hình có cách làm khác nhau, nhưng đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên “làn gió mới” cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Góp sức tuyên truyền, vận động người dân

Đảm nhận cùng lúc hai nhiệm vụ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn từ năm 2018 đến nay, bà Lê Thanh Hà luôn nỗ lực hoàn thành tốt bằng sự năng nổ, nhiệt tình.

Trời mưa mấy ngày qua không ngăn được bước chân của bà Hà đi đến nhà vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Năm nay, ấp 3A mạnh dạn đăng ký với thị trấn vận động 100% người dân tham gia BHYT. “Đây là chỉ tiêu khó, nhưng tôi đã thuyết phục Chi bộ ấp đăng ký vì nghĩ đến lợi ích chung”, bà Hà nói.

Chị Bạch Thị Nương, ở ấp 3A, chia sẻ: “Nghe cô Hà tuyên truyền, vận động nên tôi hiểu tham gia BHYT là rất cần thiết, coi như để phòng thân. Do đó, hai vợ chồng tôi quyết định mua BHYT”.

Không riêng chị Nương, nhiều người dân ở ấp 3A chưa tới thời gian hết hạn thẻ BHYT đã chủ động đóng tiền, để thẻ được liên tục. Thời gian gần đây, Chi bộ ấp 3A với “đầu tàu” là bà Hà đang tích cực vận động người dân tham gia BHYT, quyết tâm đến cuối năm sẽ đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong công tác giảm nghèo của ấp, bà Hà tích cực tuyên truyền, vận động hộ nghèo cần cù, chí thú làm ăn, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, bà còn tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn vay, cây, con giống giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên. Đối với hộ nghèo không có đất sản xuất thì bà động viên họ học nghề, tìm việc làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ sự hỗ trợ này mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Dấu chân của bà Hà còn in dày trên địa bàn ấp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông thoáng, sạch đẹp, không vứt rác thải sinh hoạt xuống kênh rạch. Nhờ vậy mà ý thức xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường của người dân ngày càng nâng lên, tạo nền tảng để ấp 3A nhiều năm liền duy trì danh hiệu ấp văn hóa.

“Muốn làm tốt công tác dân vận thì phải thật sự gần gũi, chịu khó lắng nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Như vậy mới có thể vận động, thuyết phục được bà con chấp hành theo những chủ trương, nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua của địa phương”, bà Hà chia sẻ.

Hơn 10 năm gắn bó với công tác đoàn, với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đoàn cơ sở xã Nhơn Nghĩa A, đã cùng với tập thể cán bộ, công chức xã làm tốt công tác dân vận. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, anh Tuấn ra sức tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và người dân chung tay phòng, chống dịch, nhất là sử dụng mạng xã hội thường xuyên cập nhật, chia sẻ, đăng tải kịp thời, chính xác thông tin diễn biến của dịch bệnh đến người dân. Anh còn xuống tận nhà dân để hướng dẫn bà con khai báo y tế, đến các ấp hỗ trợ test nhanh Covid để phát hiện kịp thời những trường hợp bị nhiễm bệnh.

Thời gian qua, anh Tuấn còn tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và người dân xây dựng các tuyến đường đẹp. Cụ thể là trồng 500 cây hoa huỳnh anh dọc tuyến đường từ trung tâm huyện về trung tâm xã; ra quân trồng 6km đường hoa ở các ấp: Nhơn Ninh, Nhơn Thuận 1, Nhơn Phú 1, góp phần giúp diện mạo của xã ngày càng sạch đẹp, khang trang.

Trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, anh Tuấn tích cực tuyên truyền kết hợp với vận động nâng cao hiểu biết của người dân về ý nghĩa của việc thực hiện đề án.

“Không chỉ hỗ trợ cài đặt tài khoản định danh điện tử cho người dân tại trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, tôi và các bạn đoàn viên còn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kích hoạt định danh điện tử mức 1, mức 2, góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trong cộng đồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Không riêng bà Hà, anh Tuấn, trên địa bàn huyện Châu Thành A còn nhiều gương điển hình “Dân vận khéo”. Họ là cầu nối để tuyên truyền, phổ biến các phong trào thi đua, nhiệm vụ chính trị ở địa phương đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất chung trong thực hiện.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>