Hiệu quả công tác tuyên giáo

29/07/2020 | 17:57 GMT+7

Thời gian qua, ngành tuyên giáo tỉnh đã làm tốt vai trò đi đầu trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Qua đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn đoàn kết nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong tỉnh luôn góp phần tích cực đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi sâu vào cuộc sống.

Xác định công tác tuyên giáo có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Đảng nên những năm qua, ngành tuyên giáo của tỉnh luôn nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Năm 2020 là một năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng diễn ra, do vậy ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình. Ban tuyên giáo các cấp đã quan tâm triển khai, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực tuyên giáo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, tạo sự thống nhất từ nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ.

 “Đầu năm đến nay, ban tuyên giáo các cấp trong tỉnh tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhờ đó, đến nay cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội để làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở”, ông Đào Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh  ủy, cho biết.

Một trong những điểm nổi bật nữa trong công tác tuyên truyền của ngành tuyên giáo từ đầu năm đến nay là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ngành đã rất chủ động phối hợp cùng các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức, hiệu quả cao, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thành quả chung của địa phương trong kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành A là một trong những đơn vị cấp huyện làm rất tốt công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cho biết: “Hàng năm, ban tuyên giáo các xã, thị trấn trên địa bàn luôn có sự sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ. Nổi bật nhất là xây dựng các mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Nhằm tạo nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của đại hội đảng các cấp, nhất là Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Trường Long Tây tham mưu Đảng ủy xã ra mắt mô hình “Xe tuyên truyền thông tin lưu động”.

Mô hình có sự tham gia của các thành viên làm công tác tuyên truyền của 7/7 ấp trên địa bàn xã. Để mô hình hoạt động hiệu quả, UBND xã trang bị loa phóng thanh, âm ly, USB, khung trang trí cờ phướn và xe chuyên dụng tuyên truyền. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 15 triệu đồng.

Theo Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Trường Long Tây, mô hình thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền thông tin về thành tựu đạt được của Đảng bộ huyện Châu Thành A nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng nhiệm kỳ tới; tuyên truyền các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, tỉnh, huyện và những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã, huyện trong thời gian tới.

Thông qua hoạt động của mô hình sẽ góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương thật sự đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, những năm qua, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên luôn được Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp xác định là nhiệm vụ then chốt. Để làm tốt nội dung này, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã chú trọng công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương trong sạch, vững mạnh.

Ông Lý Xuân Thọ, cán bộ tuyên giáo dân vận xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Ban Tuyên giáo thường xuyên tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện học tập và làm theo Bác dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Ngoài tổ chức tuyên truyền qua các hội thi, hội diễn, thi viết, tuyên truyền qua sinh hoạt tổ nhóm của các đoàn thể xã, ấp, tọa đàm, pano, khẩu hiệu, áp phích ban còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền với hình thức tập trung theo từng nội dung thiết thực định kỳ mỗi tháng”.         

Qua nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng, việc học tập và làm theo Bác ở Hiệp Hưng ngày càng được thực hiện tốt hơn. 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã liên tục được công nhận Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, ngành tuyên giáo các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh luôn thể hiện lòng nhiệt huyết, tận tâm với nhiệm vụ, nêu cao tinh thần chủ động sáng tạo, góp sức cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng

 

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc được của Lênin đăng toàn văn trên báo ngày 16 và 17-7-1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ…

Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như đội ngũ những người làm công tác lý luận, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sĩ… Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít-tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ.

Đặc biệt, vào ngày 1-8-1930, Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 1-8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.

Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ: Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành, tài liệu này khi được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và bắt đầu từ ngày 1-8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít-tinh, biểu tình của Nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc.

Ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít-tinh của Nhân dân. Từ đó ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo. Ngày 1-8-2002 đúng dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống, ngành Tuyên giáo đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý “Huân chương Sao vàng”.

Như vậy, ngày 1-8-1930 được coi là ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Nhưng trên thực tế, công tác Tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

 

Theo NAMDINH.GOV.VN

 

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>