Người cao tuổi mê làm từ thiện

06/05/2021 | 07:51 GMT+7

Nhiều người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Với họ, đây là chuyện nên làm và là niềm vui lúc tuổi già.

Ông Dũng (phải) luôn nhiệt tình giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó.

“Giúp người được gì thì giúp”

Đó là quan niệm của ông Phan Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A). 7, 8 năm qua, mỗi ngày cứ hơn 11 giờ trưa và 5 giờ chiều thì ông lại rong ruổi đến các chợ Rạch Gòi, chợ Một Ngàn (huyện Châu Thành A), có hôm thì lên chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) để chở rau, củ, quả do một số tiểu thương ủng hộ để mang đến các chùa, bệnh viện. Những năm đầu, ông Dũng chỉ chở đến chùa Long Vân (huyện Phụng Hiệp), bởi ngôi chùa này đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Ông Dũng cho biết: “Nhà con gái tôi cách nhà chùa không xa, nhà chùa cũng giúp đỡ con tôi những lúc khó khăn. Vì vậy, khi có tiểu thương ủng hộ rau, củ, quả các loại, tôi liền mang đến chùa, ban đầu chỉ nghĩ trả ơn, nhưng thấy mấy đứa trẻ mồ côi thấy thương, nên ngày nào hễ có đồ là tôi lại chở lên chùa”.

Sau này, nhiều tiểu thương biết việc làm từ thiện của ông nên đóng góp ngày một nhiều. Có hôm ông chở đến 300kg, hôm nào ít cũng dăm ba chục ký. Theo ông Dũng, với số rau, củ, quả do các tiểu thương ủng hộ ngoài chở đến các chùa, Tổ cơm, cháo, nước sôi Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, hôm nào nhiều ông còn chở đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ bởi những nơi này bệnh nhân rất đông, cần nhiều thực phẩm để nấu cơm từ thiện.

Tiền phụ cấp làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn không nhiều, nhưng suốt 7, 8 năm nay mỗi ngày ông đều trích ra 10.000 đồng để đổ xăng đi chở đồ. Thấy ông làm việc thiện, một số người cũng hùn 50.000 đồng hay 100.000 đồng nhưng dấm dúi mãi ông mới chịu nhận. Thậm chí có người còn nói vui rằng, đợi khi ông Dũng chất đồ lên xe, xe nổ máy, nhét tiền vào túi ông, có như vậy ông mới không từ chối được. Công việc của ông cứ đều đặn ngày này qua ngày khác, bất kể nắng mưa, thậm chí có khi 7, 8 giờ tối mạnh thường quân cho hay ủng hộ thực phẩm ông cũng sẵn sàng đến chở. “Tuy chạy xe đường xa có mệt nhưng được làm việc thiện nguyện, tôi thấy tinh thần vui vẻ, thoải mái hơn”, ông Dũng trải lòng.

Ngoài chở rau, củ, quả ông Dũng còn tích cực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Có trường hợp gia đình khó khăn có người mất, ông liền vận động rau, củ và gạo để hỗ trợ gia đình. Hay với những người nghèo khó, mỗi khi vận động được gạo hay có mạnh thường quân hỗ trợ quà ông đều thông báo đến mọi người, thậm chí chở quà đến tận nhà. Như trường hợp gia đình ông Lê Văn Ba, ở ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Gòi. Trước đây, nhà cửa lụp xụp, cứ như cái chòi, ông Dũng cùng chính quyền địa phương vận động cất cho ông cái nhà để có chỗ tránh nắng, trú mưa. Không chỉ vậy, những khi vận động được quà, gạo, ông Dũng luôn hỗ trợ gia đình. “Anh Dũng nhiệt tình lắm, nhờ có anh cuộc sống gia đình tôi mới được như vầy. Hôm rồi có mạnh thường quân cho gạo, anh cũng chỉ dẫn tôi đến nhận, đến nay gạo ăn còn cả chục ký. Chúng tôi quý cái tình, cái nghĩa của anh lắm”, ông Ba chia sẻ.

Ông Luân trong một lần tặng quà cho người nghèo.

20 năm tận tâm giúp đời

Là điển hình của vợ chồng ông Lê Văn Luân và bà Lê Thị Nguyệt, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy. Ông bà đã lặng lẽ giúp người, giúp đời suốt 20 năm qua. “Thấy nhiều người khó khăn, gia đình tôi lại mong muốn làm được gì đó dù chỉ là nhỏ nhoi. Mỗi tháng các con đều gửi tiền cho vợ chồng tôi, chúng tôi chi dùng tiết kiệm, để có thể chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn”, bà Nguyệt chia sẻ.

Trước đây, gia đình ông bà cũng trải qua nhiều khó khăn mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay, nên ông bà rất thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những số phận bất hạnh, nghèo khó. Ngần ấy năm qua, ngoài tặng quà cho người nghèo vào dịp tết, ông bà còn tặng gạo, nhu yếu phẩm cho Tổ cơm, cháo, nước sôi Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy vào mỗi tháng.

Biết nơi nào có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, ông bà đều sẵn lòng chẳng hề toan tính thiệt hơn. Ngày xưa vợ chồng ông vất vả, cực khổ biết chừng nào. Những năm đó, con cái còn nhỏ, ban ngày bà Nguyệt đi bán bánh, còn ông đi theo ghe nước đá, buổi tối thì đi giăng lưới, cắm câu, tới mùa thì đi cắt lúa mướn. Làm lụng quần quật, nhưng cái đói cái nghèo cứ bám riết, có hôm cả nhà phải ăn chuối thay cơm. Giờ đây, con cái lớn lên, cuộc sống tuy không dư dả, nhưng cũng đủ ăn nên vợ chồng ông muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Là một trong những gia đình nghèo được vợ chồng ông Luân tặng gạo thường xuyên, ông Lê Văn Ngởi, ngụ cùng ấp 5, bộc bạch: “Vợ chồng chú Luân nhiệt tình giúp đỡ người nghèo chúng tôi lắm. Thấy gia đình tôi khó khăn, chú ấy hỗ trợ gạo, động viên chúng tôi cố gắng làm ăn, để có cuộc sống tốt hơn”.

Ở tuổi ngoài 60, dù không đủ sức khỏe như trước nhưng ngày ngày ông Luân, bà Nguyệt vẫn đeo đuổi việc hành thiện giúp đời. Với ông bà miễn sao giúp đỡ được cho những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn thì vợ chồng ông thấy vui và cũng xem đó là niềm vui của tuổi già.

Đây chỉ là những điển hình trong vô số điển hình người cao tuổi giúp đời. Với phương châm “Giúp được ai thì giúp, giúp được càng nhiều người càng tốt”, nhiều người cao tuổi đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động nhân đạo để con cháu học tập noi theo, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp “thương người như thể thương thân” của dân tộc…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>