Khi dân đồng thuận

23/10/2023 | 07:40 GMT+7

Bốn năm qua, Trạm bơm ở ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, bảo vệ tốt diện tích 70ha ruộng, vườn, hoa màu của hộ dân trong đê bao trạm bơm mỗi khi triều cường lên cao. Điều đáng nói là trạm bơm này được duy trì nhờ sự chung sức, chung lòng của người dân nơi đây.

Trạm bơm ấp Mỹ Hiệp 4 năm qua đã bảo vệ vườn cây ăn trái, rau màu,... của 74 hộ dân.

Trạm bơm ở ấp Mỹ Hiệp đã được 74 hộ dân cùng nhau đóng góp tiền và công lao động để xây dựng từ năm 2020. Tuy là trạm bơm tự người dân thực hiện, tự đóng góp, nhưng hoạt động rất hiệu quả ngay từ khi xây dựng.

Ông Lê Bé Hai, nông dân ấp Mỹ Hiệp, cho biết: “4 năm trước, để bảo vệ ruộng vườn, hoa màu khi triều cường lên cao, chúng tôi cùng nhau đóng góp làm trạm bơm tập thể. Để làm được trạm bơm tất cả mọi người đã cùng nhau làm đập ngăn nước bằng lưới B40, tre và bạt cao su. Vì có chung lợi ích nên ai cũng nhiệt tình làm và sử dụng cho đến nay”. Ông Bé Hai có 115 gốc sầu riêng  mấy năm nay đã được bảo vệ an toàn nhờ có trạm bơm.

Trong khu vực trạm bơm có tổng số 70ha đất canh tác. Người dân ở đây trồng mía, sầu riêng, mít, làm ruộng,... không còn lo nước ngập khi triều cường lên cao hàng năm. Ông Nguyễn Trường Sơn, người dân ở ấp, cho biết: “Gia đình tôi có 80 gốc sầu riêng trong khu vực trạm bơm này. Có một cống đang đóng kín và một cống đang tích cực bơm nước ra ngày đêm để bảo vệ không để nước ngập vườn cây ăn trái của tôi và mọi người hơn nửa tháng qua. Chúng tôi đồng tình rất cao khi triển khai trạm bơm này. Bảo vệ trạm bơm là trách nhiệm chung của mọi người, mỗi khi máy hư những người biết sửa máy ra công sửa, đập có vấn đề gì thông báo cùng nhau gia cố”.

Hiệu quả trạm bơm được người dân công nhận. Bà Đặng Thị Chính chia sẻ: “Nhờ có trạm bơm bảo vệ mùa màng, vườn tược, nhà cửa cũng không lo bị ngập. Năm nào tôi cũng đóng tiền để cùng nhau mua dầu bơm nước. Tiện lợi hơn khi gia đình đơn chiếc lại lớn tuổi như tôi”.

Ngoài hùn vốn làm trạm bơm ban đầu, tất cả hộ dân còn đóng góp tiền để bơm tháo nước hàng năm. Theo ước tính của người dân, mỗi năm chi phí bơm khoảng 30 triệu đồng.

Do đập được làm từ vật liệu chưa thật sự chắc chắn nên hết mùa nước nổi mọi người phải cùng nhau tháo dỡ, đến năm sau cùng nhau làm lại mất nhiều công sức. Ông Võ Văn Phương, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, chia sẻ: “Chúng tôi kiến nghị về xã mong được đầu tư trạm bơm kiên cố ở đây. Nếu có trạm bơm kiên cố giúp chúng tôi giải quyết được khó khăn, không phải hì hục dỡ và lắp đập, được đầu tư máy mới ít hư hỏng. Ban đầu do điều kiện vốn khó khăn nên chúng tôi mua máy cũ nên không đảm bảo chất lượng”.

Nhận thấy được sự đồng thuận, với mong muốn đáp ứng nguyện vọng của người dân ở đây, ông Lê Hoàng Ba, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho hay: “Chúng tôi đã đề xuất dời trạm bơm ở ấp Long Trường về cho ấp Mỹ Hiệp, để người dân sử dụng hiệu quả hơn. Do trạm bơm đặt ở ấp Long Trường có địa bàn giữa xã và một xã lân cận nên rất khó khi họp dân, chưa phát huy hiệu quả trạm bơm”.

Dù chỉ với trạm bơm tạm bợ nhưng nhờ có tinh thần đồng lòng của người dân trạm bơm ở ấp Mỹ Hiệp đã có thể phát huy hiệu quả bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu, đảm bảo môi trường sống tốt, ổn định kinh tế hộ gia đình cho 74 hộ dân ở ấp. Đây là điểm sáng trong thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, khẳng định việc gì khi có dân đồng thuận, đoàn kết sẽ thành công.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>