Phim, sách về nghề báo

19/06/2019 | 09:22 GMT+7

Mỗi năm, cứ đến dịp 21-6, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là có những quyển sách hay về nghề báo, cũng như những sản phẩm điện ảnh, truyền hình, giúp người xem hiểu được quá trình lao động đầy nhọc nhằn của báo chí...

Sách hay về nghề báo.

Những quyển sách đáng xem

Nhà báo Hồ Quang Lợi vừa cho ra mắt quyển “Thời cuộc và Văn hóa”, để kịp chào mừng 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Hơn 500 trang viết, tập hợp 56 bài báo ra đời trong quãng thời gian hơn 20 năm làm báo của tác giả. Vẫn bám mạch sở trường bình luận thế sự, thời cuộc Việt Nam và thế giới, tác giả còn chỉ ra cốt lõi văn hóa trong các sự kiện nóng bỏng. Tác giả đã kết hợp thành công hai nội dung tưởng chừng ít liên quan một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, sâu sắc và tinh tế, hấp dẫn và lôi cuốn độc giả, bởi lý giải được mối quan hệ giữa thời cuộc với văn hóa. Là một người có kiến thức rộng, lại nhạy cảm, mỗi câu, mỗi từ của tác giả là nơi gặp gỡ giữa cảm xúc và tư duy. Tác giả đã gởi cái tâm, cái tình qua từng trang viết.

Còn “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, là quyển sách mới nhất của nhà báo Phan Quang, mà ông đã sưu tầm các bài báo suốt hơn 70 năm qua của mình để làm sáng tỏ quan điểm, phương pháp luận của Bác về nghề báo, nhà báo. Tác giả đã sắp xếp hợp lý, đan xen giữa chính luận và bút ký, kết hợp nghiên cứu, sử dụng nguồn tài liệu phong phú, khắc họa nên hình tượng Bác có nhiều duyên nợ với báo chí. Bác đã kết duyên với báo chí và sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực để phục vụ cách mạng. Điều này được thể hiện rất rõ trong từng bài báo của nhà báo lão thành Phan Quang.

Phim hay về nghề báo.

Nhiều góc nhìn về nghề báo qua phim

Nhà báo, công việc nặng nhọc nhưng không phải ai cũng biết, hiểu và chia sẻ. Đây cũng là đề tài thu hút của những nhà làm phim, với mong muốn mang đến người xem những cái nhìn gần gũi, thân thiện. Có bộ phim truyền hình dành chọn mấy chục tập để nói riêng về nghề, như “Nghề báo”, “Đèn vàng”, “Phóng viên thử việc”, “Gái già xì tin”… Phim có cả những trăn trở của một phóng viên lành nghề, sự non trẻ kinh nghiệm của người mới vào nghề. Hành trình để trở thành nhà báo, họ phải đối mặt và xử lý nhiều tình huống phức tạp, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Họ phải luôn tôi rèn bản lĩnh để không bị sa ngã, làm ngòi bút bị bẻ cong…

Cùng với đó, một số phim truyền hình khác như: “Cảnh sát hình sự”, “Những đứa con của biệt động Sài Gòn”… cũng thấp thoáng thấy bóng dáng của nhà báo. Người xem lại được thấy một cái nhìn khác về những nhà báo mượn danh để làm giàu bất chấp đạo đức nghề nghiệp…

Điện ảnh thế giới cũng có hàng loạt phim dành cho nghề báo. Có thể kể đến: “Spotlight” (Tiêu điểm), kể về một nhóm nhà báo quyết tâm phanh phui nạn ấu dâm suốt 34 năm trong hệ thống nhà thờ ở Mỹ. Phim từng đạt giải Oscar năm 2016 ở hạng mục quan trọng: “Phim hay nhất”. Hay phim “Nightcrawler” (Kẻ săn tin đen) là bộ phim tâm lý hình sự Mỹ, xoay quanh cuộc đời của một phóng viên tác nghiệp tự do chuyên săn tin nóng, những câu chuyện giật gân trên đường phố vào ban đêm để bán cho các tờ báo, đài truyền hình địa phương. Hay “Kill the Messenger” (Giết người đưa tin), dựa trên câu chuyện có thật về nhà báo nổi tiếng Gary Webb, đã trải qua những tháng ngày không bình yên khi theo đuổi vụ điều tra chấn động, bất chấp lời cảnh báo…

***

Những quyển sách và phim ảnh chỉ thể hiện một phần những nhọc nhằn của nhà báo, nhưng đủ để mọi người hình dung được nghề vinh quang nhưng cũng lắm nhọc nhằn này, có cả tích cực lẫn tiêu cực. Thế nhưng, với những nhà báo chân chính, khi đã chọn là họ theo đến cùng, bởi nó có sức hút mãnh liệt. Được làm nghề, họ thấy ý thức được giá trị của bản thân, dù biết rằng đây là nghề không phải là hoa hồng, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí bằng máu và nước mắt, mới giữ được “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, như lời cố nhà báo Hữu Thọ từng gửi gắm…

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>