Ký ức không quên một thời chiếu bóng

29/03/2024 | 08:46 GMT+7

Có một thời kỳ, chiếu bóng có vị thế cao, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân. Dù trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh nhưng người người vẫn nô nức đi xem chiếu bóng, những đoàn chiếu phim lưu động thời đó mang đến niềm vui, niềm tin và hy vọng cho một ngày mai tươi sáng...

Những cựu cán bộ ngành điện ảnh, chiếu bóng qua các thời kỳ của Hậu Giang - Cần Thơ họp mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Vang bóng một thời !

Ông Nguyễn Văn Thành (hiện ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ), nguyên Đội trưởng đội Chiếu bóng tỉnh Cần Thơ, nguyên Phó Giám đốc Công ty Chiếu bóng Hậu Giang, người từng gắn bó nhiều năm với nghề chiếu bóng, đã kể những câu chuyện về một thời chiếu bóng tuy gian khó nhưng thấm đượm nghĩa tình, gian khổ nhưng đầy kỷ niệm...

Ông nhớ lại: Tiền thân của Đội Điện ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ là Đội Ảo Đăng, được thành lập năm 1963 để phục vụ cho nhân dân vùng giải phóng. Lúc đầu chỉ có 3 người, đến năm 1966, Đội Điện ảnh được thành lập với 5 người, căn cứ đầu tiên là ở ngã tư Nhà máy cháy, xã Tân Bình (Phụng Hiệp). Khu Tây Nam bộ chỉ cung cấp phim, còn máy chiếu, máy nổ, các thiết bị khác tỉnh phải tự lo liệu.

Đêm 10-4-1966 là đêm chiếu đầu tiên với bộ phim tài liệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, phim truyện “Vợ chồng A Phủ”. Sau này, ngày này cũng được lựa chọn làm ngày thành lập của Đội Điện ảnh Cần Thơ. Từ đó, Đội Điện ảnh hoạt động liên tục, sôi nổi, miệt mài phục vụ cho bà con vùng giải phóng.

Những năm tháng đầy khó khăn gian khổ, để có một bộ phim phục vụ cho bà con không phải chuyện dễ, ông Thành bồi hồi: “Nhớ hồi đó muốn có phim để chiếu, đội phải cử người đi bộ xuống tận Cà Mau để đổi phim, mỗi chuyến đi về như vậy mất cả tháng trời, vậy mà ai cũng vui khi có phim chiếu cho bà con mình xem”.

Thời còn chiến tranh, chiếu bóng là một phương tiện giải trí “sang trọng”, người dân mỗi lần nghe tin có đoàn chiếu bóng về là lặn lội đến coi, thậm chí có người đi bộ vài chục cây số đến xem là chuyện thường. Cực khổ là vậy nhưng người đến xem rất đông.

“Bà con mê xem chiếu bóng lắm, chỉ cần hay tin có đội chiếu bóng về là từ già đến trẻ ai cũng hồ hởi. Đến đâu huyện ủy cũng có người ra đưa đón, rồi khiêng vác đồ tiếp. Có những buổi chiếu mà khi hết phim mọi người vẫn không chịu về, cứ đòi phải phát tiếp cho bằng được. Có những phim mọi người xem nhiều đến nỗi thuộc luôn cả phần lời thuyết minh nhưng vẫn phải đi coi thì mới thỏa lòng”, ông Thành hướng đôi mắt đầy vết chân chim nhưng ánh lên niềm hạnh phúc kể lại.

Có những khi tình hình chiến tranh ác liệt, những thiết bị kỵ nước, thùng phim phải đào hố chôn để cất giấu. “Có lần đội đến điểm chiếu cách Đồn Tô Ma khoảng 1km, khi người dân đến xem chiếu bóng thì giặc bắn đe dọa chỉ còn khoảng chừng trăm mét là trúng vào nơi tập trung chiếu bóng, dân phải giải tán, một lúc sau người dân vẫn quay trở lại để được xem tiếp”, ông Thành nói về kỷ niệm đáng nhớ.

Đội chiếu bóng còn thực hiện thêm nhiệm vụ đi tuyên truyền, góp phần vào chiến thắng của dân tộc, những người làm chiếu bóng như những chiến sĩ ở mặt trận văn hóa văn nghệ của nước nhà. 

Ông Nguyễn Văn Thành luôn ghi nhớ những câu chuyện của một thời đã qua, đó là ký ức không thể nào quên.

Hoàn thành sứ mệnh gắn với một giai đoạn lịch sử

Sau ngày giải phóng, khoảng thời gian từ năm 1979-1989 chiếu bóng Hậu Giang (cũ) bước vào thời kỳ vàng son với sự phát triển mạnh mẽ. Từ vài đơn vị chiếu bóng phát triển lên mười mấy đơn vị, có lúc cao điểm nhất là gần 50 đơn vị.

“Sau thời hoàng kim của chiếu bóng, bắt đầu xuất hiện các loại hình giải trí khác như băng, đĩa, tivi,… Hoạt động chiếu bóng dần bị thu hẹp lượng khán giả đến xem, đây cũng là điều làm tôi tiếc nuối nhưng phải chấp nhận vì đó là quy luật phát triển”, ông Thành bộc bạch.

Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam được tổ chức tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp), các đại biểu là cựu cán bộ ngành điện ảnh, chiếu bóng qua các thời kỳ của Hậu Giang, Cần Thơ đã có dịp gặp gỡ, nhắc cho nhau nghe những câu chuyện thuở còn làm nghề chiếu bóng đầy xúc động. Họ tâm sự, kể cho nhau nghe những tháng ngày gắn bó với nghề chiếu bóng, bà con nghe tin có chiếu bóng là kéo đến đông nghẹt cả sân bãi. Đi đến đâu cũng được dân mến, dân thương và lo lắng như những người thân trong gia đình.

Qua rồi một thời để nhớ của chiếu bóng, giờ đây, những rạp chiếu phim hiện đại, tiện nghi phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân ngày càng nhiều, nhìn vào cuộc sống hôm nay với nhiều đổi thay, phát triển, ông Thành tâm sự: “Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh của những cán bộ chiếu bóng. Hiện nay kỹ thuật quay, hiệu ứng trong phim ảnh rất hiện đại, số lượng phim phát hành mỗi năm cũng nhiều, mọi điều kiện đã thuận lợi hơn chúng tôi thời trước nên hy vọng rằng điện ảnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, giữ được địa vị của nghệ thuật thứ bảy”...

Dù đã qua thời, nhưng có những ký ức đã đi vào lịch sử, có những kỷ niệm thấm sâu vào trí nhớ mỗi cán bộ làm công tác chiếu bóng năm xưa, để giờ đây nhắc lại, kể lại vẫn thấy biết bao tự hào, vẫn sẽ nhớ: Một thời vang danh chiếu bóng...

Bài, ảnh: THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>