Hương bánh quê nhà đã lan tỏa...

13/02/2024 | 09:18 GMT+7

Tôi có người em lên Sài Gòn lập nghiệp. Mỗi năm về thăm nhà mấy bận, thích ăn bánh tét, nhưng phải tìm đúng bánh của cô Tám Ngọc ở thị xã Long Mỹ mới chịu. Bánh đậm đà, béo ngậy, mỗi lần ăn là em cứ tấm tắc: Ăn một miếng thấy quê mình là đây !

Nghệ nhân Phạm Thu Thủy bên sản phẩm bánh bông lan vừa được công nhận OCOP 3 sao, ít ai ngờ rằng chiếc bánh thân quen có một ngày là sản phẩm OCOP.

Câu chuyện bánh dân gian Hậu Giang tỏa hương khắp chốn, níu chân du khách xa gần là nhờ những người như cô Tám Ngọc, ngày đêm miệt mài lưu giữ hương vị quê hương...

Tiếng rao “Ai ăn bánh tét hôn” chở nặng tình quê !

Cô Tám Ngọc - Bùi Kim Ngọc, 62 tuổi, ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, có gần 30 năm bán bánh tét. Người dân ở vùng này đã quen với tiếng rao “Ai ăn bánh tét hôn” của cô mỗi buổi sáng, chiều.

Gặp cô vào buổi chiều cuối năm, bên nồi bánh tét đang sôi ùng ục, cô kể câu chuyện gắn bó với nghề bán bánh như một cái duyên. Từ nhỏ, cô rất thích sang nhà hàng xóm mỗi dịp có đám tiệc, tết nhứt, để xem người lớn gói bánh.

Bẵng đi một thời gian, khi đã có gia đình riêng và cuộc sống gặp biến cố, cô mày mò gói bánh để bán, lúc đầu là bánh lá dừa, bánh ú rồi bánh tét. Dần dần, cô chỉ chọn bán mỗi bánh tét. Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày hai bận, cô đạp xe khắp chợ, bến xe. Vài chục đòn bánh hết vèo tiếp thêm động lực để cô làm nuôi các con. Cuộc sống dần ổn định nhờ gánh bánh còng lưng suốt những năm tuổi trẻ và đến tận bây giờ. Cách ngày là cô gói từ 80-100 đòn bánh, ngày tết nhiều hơn. Cô cười tươi: “Cực nhưng thấy người ta ăn khen ngon là tui quên hết mệt, đi cắt lá, ngâm nếp, nấu đậu gói bánh tiếp”.

Cứ cách ngày, cô Tám Ngọc lại nấu trên dưới 80 đòn bánh tét để giao cho khách.

Nếu như cô Tám Ngọc gắn bó với quê hương và chọn bánh dân gian để nuôi sống gia đình, thì cô Chín Thủy - Phạm Thu Thủy, ở ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, đến với nghề bánh dân gian nhẹ nhàng hơn. Cô là người miệt Phụng Hiệp, theo chồng về xứ này. Mẹ chồng là người làm bánh khéo nhất nhì vùng này, nên cô được truyền nghề. Hồi đó, làm bánh bông lan, bánh kẹp để biếu họ hàng, đâu có bán buôn gì. Sau này, cuộc sống thay đổi, mọi người hay đặt bánh chứ không túm tụm làm như xưa, cô nhận làm bánh để kiếm thêm thu nhập. Cô tự hào đến bây giờ, bánh cô làm vẫn giữ hương vị xưa. Có lẽ đây chính là điều làm cho hương vị bánh bông lan của cô vang xa, đoạt rất nhiều giải thưởng trong các hội thi bánh dân gian trong tỉnh, khu vực Nam bộ. 

Khoác “áo mới’ cho bánh dân gian

Những nghệ nhân tôi có dịp gặp, không chỉ có niềm đam mê giữ gìn vị bánh quê, mà còn có nhiều sáng tạo. Anh Phạm Văn Phúc, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là nghệ nhân hiếm hoi thành công từ sự sáng tạo của mình, khoác cho bánh dân gian một chiếc “áo mới” nhưng vẫn dung dị tình quê.

Nghệ nhân Phạm Văn Phúc bên món bánh khoai lang cuộn đầy sáng tạo.

Anh chia sẻ sáng tạo không phải làm cho món bánh lung linh, mất luôn hương vị vốn có, mà phải kết hợp làm sao để bánh trở nên gần gũi nhưng đặc sắc khiến người thưởng thức một lần là nhớ. Những loại bánh do anh sáng tạo từ những sản vật rất gần gũi, thân thương. Qua bàn tay khéo léo, kết hợp một cách hợp lý, món bánh trở nên ngon, đậm đà hơn. Đó là món bánh khóm thỏi vàng, bánh mít bột lọc, bánh trái bí ngô, bánh mặn cá thát lát, bánh khoai lang cuộn... 

Quan trọng là sự kết hợp độc đáo, không “đụng hàng”. Nếu như bánh khoai lang cuộn là mang khoai lang hấp, tán nhuyễn, thêm ít đường rồi xào lại cho dẻo, lấy một ít bột trộn với trứng rồi đem chiên. Sau đó lấy từng miếng bột, trải khoai lên và cuộn lại, cắt khoanh, ăn kèm với muối mè, thì món bánh mặn quen thuộc được anh kết hợp với chả cá thát lát để tạo hương vị rất riêng, lại không tanh. Anh đã phải làm thử rất nhiều lần để có được sự hòa quyện tuyệt vời, để món bánh béo ngậy, có chút thơm của bột, chút dai, ngọt của chả cá, béo béo của nước cốt dừa, ăn kèm xíu nước mắm chua cay và rau thơm, dưa leo, ngon khó diễn tả thành lời...

Còn nghệ nhân Phạm Thu Thủy sáng tạo với món bánh bông lan nhưn khóm. Đây cũng là sự kết hợp độc đáo từ loại nông sản đặc trưng của Hậu Giang để hòa quyện với hương vị đậm đà của bánh, tạo nên hương vị rất riêng. Năm qua, niềm vui của nghệ nhân được nhân lên khi thương hiệu bánh bông lan của bà đã được công nhận OCOP 3 sao. Bà không giấu niềm vui: “Giờ mỗi hộp bánh 24 cái, tôi đã bán được 40.000 đồng, gần gấp đôi so với giá trước đây, có đóng gói, bao bì, dán tem, nhãn đàng hoàng à nghe. Có ai ngờ chiếc bánh quê này có ngày là sản phẩm OCOP”...

Chia tay những nghệ nhân đáng trân quý, tôi vẫn nhớ mùi khói quyện mùi củi bay từ nồi bánh tét đầu xuân nhà cô Tám Ngọc, vị bánh bông lan đậm đà của cô Chín Thủy và hình ảnh khó quên mấy loại bánh được nghệ nhân Phạm Văn Phúc sáng tạo từ sản vật quê nhà.

Điều này càng khẳng định nỗ lực đưa ẩm thực Hậu Giang vươn tầm, trong đó có bánh dân gian...

Ẩm thực Hậu Giang ghi dấu ấn

Những năm gần đây, ẩm thực Hậu Giang được đặc biệt quan tâm, nâng tầm, các nghệ nhân được tạo nhiều cơ hội trình diễn trong các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh, được tham gia các hội thi để nâng cao tay nghề, kỹ năng. Từ đó, ẩm thực có những bước đi vững chắc trên đường tạo thương hiệu riêng, níu chân thực khách xa gần.

Nỗ lực đưa ẩm thực vươn tầm của tỉnh nhà đã cho trái ngọt. Nhiều kỷ lục Việt Nam, châu Á về ẩm thực được Hậu Giang xác lập.

Trong năm 2023, nhiều sự kiện lớn được tổ chức, ẩm thực luôn được dành một không gian riêng, đẹp nhất để các nghệ nhân trình diễn và giới thiệu với du khách. Vào những dịp lễ tết, Hậu Giang ưu tiên tổ chức các hội thi món ngon Nam bộ, bánh dân gian ở từng cấp, ngành. Qua đó, dần hình thành một đội ngũ những nghệ nhân yêu và giữ gìn nghề truyền thống, mong muốn góp sức đưa ẩm thực Hậu Giang vươn xa.

Đặc biệt, ẩm thực Hậu Giang còn ghi dấu bằng việc các nghệ nhân tham gia các hội thi ẩm thực cấp khu vực và từng đoạt 2 huy chương bạc vào năm 2022... Ba kỷ lục Việt Nam được xác lập: Năm 2022, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục các món ăn từ cá thát lát và khóm nhiều nhất Việt Nam. Món ăn từ cá thát lát cũng được vinh danh Kỷ lục châu Á. Năm 2023, Hậu Giang tiếp tục xác lập kỷ lục thứ 3: Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam.

Khai thác thế mạnh ẩm thực là một trong những nội dung được Hậu Giang hướng đến trong hành trình xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần nâng tầm ẩm thực Hậu Giang lên một bước mới, tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà.

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>