Giữ gìn nghệ thuật Aday

01/07/2019 | 09:08 GMT+7

Aday là loại hình nghệ thuật hát đối đáp độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer. Thế nhưng giờ, ít có người Khmer nào biết. Đó là lý do Hậu Giang triển khai thực hiện Đề án để bảo tồn loại hình này.

Bà con dân tộc Khmer đến xem múa hát Aday rất đông.

Đề án mang tên “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020”, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm thực hiện. Cách nay một năm, vào tháng 6-2018, tỉnh mở được lớp tập huấn đầu tiên, thu hút hơn 40 học sinh của Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh tham gia. Lớp truyền nghề trong 20 ngày, chủ yếu là các em lớp 10 và 11. Các em rất hồ hởi tham gia, ai cũng tập trung nghe giảng và quyết tâm học thật tốt. Họ biết rằng chính họ chứ không ai khác, sẽ góp phần giữ gìn và lưu truyền, phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Mới đây, Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh lại tiếp tục mở lớp thứ hai, tại chùa BHODHIVANAVANSA, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Với gần 50 học viên tham gia, lần này đối tượng mở rộng hơn, là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Mỹ, đặc biệt là bà con dân tộc Khmer ở nơi tổ chức lớp tham dự, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia, từ thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên… Em Thị Như Nguyệt, 10 tuổi, ở ấp 4, xã Xà Phiên, cho biết: “Em được học trong nhóm múa. Đó giờ thấy các anh chị lớn múa, hát các bài hát dân tộc mình, nhưng cái tên Aday em chưa có nghe. Được học rồi, em sẽ tập hoài để cho nhớ”… Còn ông Danh Phúc, đã 73 tuổi, nghệ nhân đờn các nhạc cụ dân tộc, không giấu vui mừng: “Có những lớp học như vậy, tôi thấy vui lắm. Tôi học để biết thêm những kiến thức hay. Tôi có biết Aday, nhưng mà đâu thể tổ chức dạy vừa hát, múa như vầy”.

Đội ngũ giảng viên là nghệ nhân Thạch Si Phol và các nghệ nhân đờn đến từ Bạc Liêu giảng dạy. Với lớp học thứ hai này, những kiến thức độc đáo về loại hình nghệ thuật này tiếp tục được truyền đạt cả lý thuyết lẫn thực hành, để người học biết đúng, hiểu sâu và có ý thức giữ gìn, phát huy một cách hiệu quả. Nghệ sĩ Thạch Si Phol chia sẻ: “Do nhiều nhóm tuổi, nên việc dạy rất khó. Không chỉ dạy học viên biết hát, múa mà ông còn dạy họ đọc chữ. Không phải ai cũng biết đọc. Mà muốn hát được phải đọc được lời. Cực lắm, nhưng được dạy cho bà con mình biết mà phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc là tôi thấy vui và hạnh phúc lắm, dạy không biết mệt mỏi”. Ông cho biết thêm, cái khó của loại hình này là hát đi kèm với đờn, dàn nhạc phải có ít nhất 3 người chơi. Nếu biết hát mà không biết đờn rất khó mà duy trì, phát huy.

Có thể nói, phải yêu, nỗ lực và quyết tâm lắm mới có được những tiết mục truyền dạy trong 2 lớp học được mở. Để rồi nghệ thuật hát, múa Aday được người Khmer trong tỉnh Hậu Giang biết đến, dù ít nhưng là tín hiệu vui.

Theo đề án, hết năm nay sẽ có 8 lớp truyền nghề từ cơ bản đến nâng cao, nhưng vì nhiều lý do, đến thời điểm này chỉ có 2 lớp. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Đề án được duyệt không đi kèm kinh phí, nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, ngành đã tận dụng mọi cách để tổ chức được 2 lớp truyền nghề”. Ngành văn hóa quyết tâm năm 2020, sẽ tổ chức tiếp một lớp nâng cao và sẽ tổ chức liên hoan nghệ thuật hát Aday. Sau đó, ngành chỉ đạo chỉ xây dựng những câu lạc bộ hát, múa Aday ở nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống để tiếp tục bảo tồn loại hình nghệ thuật này.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm thực hiện một đề án văn hóa hay, góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, tin rằng từ những lớp truyền dạy dù ít nhưng ý nghĩa và đầy tâm huyết của những người hết lòng vì nghệ thuật, nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam bộ sẽ được phát huy trong thời gian tới.

Cuối tuần qua, lớp bồi dưỡng “Nâng cao phương pháp trình diễn cơ bản về nghệ thuật hát Aday” đã kết thúc, sau 20 ngày diễn ra. Các học viên đã được học ca, múa và kỹ năng trình diễn. Giảng viên lớp học và học viên đã báo cáo kết quả bằng một chương trình nghệ thuật với 8 tiết mục ca, múa Aday, mang đến cho người xem hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo đang được Hậu Giang bảo tồn và phát huy.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>