Báo Hậu Giang điểm tin sáng

08/02/2024 | 05:53 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: Đại sứ Mỹ trao trả nhật ký cho cựu chiến binh Việt Nam; Nhiều nông dân Sa Đéc đón Tết buồn vì bông ế ẩm; 1,5 triệu đồng/cặp dưa hấu hình thỏi vàng; Thịt heo sấy khô tại Singapore tăng giá mạnh trong dịp Tết Nguyên đán; Ấn 2.000 năm tuổi của hoàng hậu được nhặt từ vũng bùn.

Đại sứ Mỹ trao trả nhật ký cho cựu chiến binh Việt Nam

Đại sứ Mỹ Marc Knapper trao trả cuốn nhật ký cho cựu chiến binh Việt Nam Vũ Đắc Tức trước dịp Tết Nguyên đán.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 6/2 đến huyện Thường Tín, Hà Nội, để trao trả cuốn nhật ký, theo thông cáo Đại sứ quán Mỹ. Nhật ký của ông Vũ Đắc Tức được Thủy quân Lục chiến Mỹ phát hiện và thu giữ trên chiến trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 1967.

Đại sứ Knapper cũng trao cho ông Tức thư do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký và cảm ơn ông Tức đã tham dự sự kiện trao trả kỷ vật nhân chuyến thăm Hà Nội của ông Biden vào tháng 9/2023.

Tại buổi lễ hồi tháng 9/2023, một người bạn cựu chiến binh của ông Tức, ông Nguyễn Văn Thiện, cũng đã nhận lại cuốn nhật ký của mình bị thất lạc trong chiến tranh cách đây 50 năm.

Nhật ký của ông Tức và ông Thiện được phát hiện trong quá trình triển khai chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm hỗ trợ Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 và Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Trong quá trình hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ, đội ngũ nghiên cứu thuộc Trung tâm Ash của Đại học Harvard đã xác định được chủ nhân của những cuốn nhật ký này khi tiến hành nghiên cứu hồ sơ lưu trữ để hỗ trợ Ban Chỉ đạo 515.

Nhiều nông dân Sa Đéc đón Tết buồn vì bông ế ẩm

Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) là một trong những địa phương trồng hoa lớn nhất ở miền Tây. Tết năm nay, gần 4.000 hộ dân ở đây trồng hơn 100 ha hoa kiểng (tổng số 950 ha) với nhiều chủng loại.

Các năm trước, nhà vườn thường hết hàng trước Tết khoảng một tuần, chỉ những vườn gần trung tâm chừa một ít bán cho du khách. Năm nay, cách Tết 3 ngày, dọc làng hoa tồn nhiều hàng, chủ yếu các hoa truyền thống như cúc mâm xôi, vạn thọ...

Đầu tư hơn 200 triệu đồng trồng 8.000 giỏ cúc mâm xôi, anh Ngọc Thuận, xã Tân Khánh Đông, nhổ bỏ 7.500 chậu vì sâu bệnh và khó bán. "Rầy năm nay nhiều, nếu phun quá liều lượng cây sẽ khô, hoa không nở", anh Thuận cho biết.

Anh Nguyễn Văn Hiệp cũng lỗ 150 triệu đồng vì hoa ế, sâu bệnh. Gần Tết, anh đưa số cúc, vạn thọ ra đường lớn bán giá 20.000-50.000 đồng mỗi chậu, song ít người hỏi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết hoa Tết được trồng ở nhiều tỉnh miền Tây nên cạnh tranh rất lớn giữa các địa phương. Những loại hoa tiêu thụ chậm là cúc, vạn thọ, hiện mới đạt 50%, tập trung ở vườn có hoa ít đặc sắc, rực rỡ. Riêng những giống mới như cúc nhiều màu vẫn hút khách, giá cao.

"Thành phố khuyến cáo nông dân không xem hoa Tết là vụ chính trong năm và nên đa dạng chủng loại, nhất là các loại hoa kiểng công trình, hoa chậu bán quanh năm", bà Ngọc cho biết. Ngoài ra người dân cần nâng cao kỹ năng bán hàng, giữ giá ổn định suốt mùa, tránh tình trạng "nói thách" lúc đầu, sau ít khách phải giảm giá sâu.

1,5 triệu đồng/cặp dưa hấu hình thỏi vàng

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho quả dưa hấu Kim Hồng, nông dân Trần Văn Cưng ở xã Phong Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp) đã nghiên cứu, tạo hình quả dưa hấu thành hình thỏi vàng, hình vuông để bán cho khách hàng trưng trong dịp Tết. Năm nay, ông chuẩn bị gần 200 cặp dưa hấu tạo hình với giá 1,5 triệu đồng/cặp dưa hấu hình thỏi vàng và 1 triệu đồng/cặp dưa hấu hình vuông.

Thời gian chưng dưa hấu được 1 đến 2 tháng. Dưa hấu thỏi vàng và hình vuông loại 1 được thương lái bao tiêu với giá ổn định 1,5 triệu đồng/cặp. Còn số dưa hấu tạo hình loại 2, có giá từ 600.000 đến 900.000 đồng/cặp.

Thịt heo sấy khô tại Singapore tăng giá mạnh trong dịp Tết Nguyên đán

Tại Singapore, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, sức tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng đang tăng cao, trong đó có món thịt lợn nướng thái lát – một món ăn ưa thích của người dân “đảo quốc Sư tử” trong dịp năm mới.

Nhu cầu lớn cùng với chi phí đầu vào tăng khiến giá mặt hàng này tăng tới 18 đô la Singapore (tương đương 14 USD)/kg chỉ tính từ đầu năm đến nay.

Món thịt lợn nướng thái lát (hay còn gọi là bánh bak kwa) là sản phẩm đặc trưng nhất của chuỗi cửa hàng nổi tiếng Lim Chee Guan ở Singapore. Những ngày này, bánh đang được bán với giá 80 đô-la Singapore/kg, tăng tới 18 đô la so với hồi đầu tháng 1. Mức giá này cũng cao hơn giá của thời điểm Tết năm ngoái 2 đô la.

Mặc dù giá tăng đáng kể, nhu cầu về món bánh bak kwa vẫn rất lớn, trong đó doanh số bán hàng trực tuyến tăng lên đáng kể do thói quen thời hậu đại dịch và các khách hàng trẻ cảm thấy tiện lợi hơn vì không phải xếp hàng. Với chuỗi cửa hàng Kim Joo Guan, 70% doanh số bán hàng trong dịp Tết năm nay là từ bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, thương hiệu này còn triển khai bán hàng bằng máy tự động tại các trung tâm thowng mại.

Ấn 2.000 năm tuổi của hoàng hậu được nhặt từ vũng bùn

Theo Xinhua, bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây hiện trưng bày cổ vật cao 2 cm, nặng 33 g, được khắc từ loại bạch ngọc tên Hòa Điền Dương Chỉ, nguồn gốc Tân Cương. Ông Hạ Đạt Hân, chủ nhiệm phòng quản lý sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây cho biết đây là ấn đẳng cấp cao nhất mà giới khảo cổ phát hiện được của thời nhà Hán.

Người nhặt được cổ vật, ông Khổng Trung Lương, thi thoảng được mời quay lại bảo tàng để thăm chiếc ấn. Năm 1968, khi 13 tuổi, Khổng Trung Lương thường chơi ở con mương gần nhà - địa điểm yêu thích của ông mỗi khi tan học. Một hôm, ông nhìn thấy "viên đá" ở vũng bùn, bèn vớt lên, rửa sạch. Vị trí Khổng Trung Lương nhặt được viên đá cách Trường Lăng - lăng mộ của Lưu Bang và Lã Hậu - khoảng 1.000 m.

Cha của Khổng Trung Lương - Khổng Tường Phát, mang đá đến Tây An giao cho bảo tàng lịch sử. Theo giám định của chuyên gia, trên ngọc khắc "Hoàng hậu chi tỉ" (Ấn của hoàng hậu) bằng chữ Triện, tuổi đời hơn 2.000 năm.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>