Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giúp tăng thu nhập từ 5-10%

11/06/2021 | 18:53 GMT+7

(HGO) – Sáng ngày 11-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu Hậu Giang có lãnh đạo ngành nông nghiệp, các đơn vị liên quan tham dự.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp, các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hậu Giang.

63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai Quyết định số 50 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Tổng kinh phí hỗ trợ nông hộ chăn nuôi toàn quốc trên 830 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ đã tác động tích cực, thay đổi thu nhập của các hộ chăn nuôi, tăng từ 5-10%. Gần 6 năm triển khai chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, ngày càng tăng giá trị các sản phẩm chủ lực. Chính sách hỗ trợ tác động tích cực đến cuộc sống hàng triệu hộ chăn nuôi ở nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt thông qua chương trình cải tạo và nâng cao năng suất đàn gia súc, hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, chăn nuôi nhỏ lẻ; góp phần chuyển từ tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa. Đặc biệt, thông qua chương trình truyền giống nhân tạo bò, đã tạo ra giống bò lai năng suất cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng đàn bò của các địa phương.

Tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng.

Các địa phương cho biết quá trình thực hiện cũng gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, phương thức hỗ trợ chính sách theo Quyết định 50 là hỗ trợ sau đầu tư. Địa bàn khó khăn còn thiếu kinh phí đối ứng để đầu tư mua con giống trước, nhận hỗ trợ sau. Đối tượng thụ hưởng chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải. Một số địa phương gặp khó trong việc chọn lựa đơn vị cung cấp con giống, tinh, vật tư kỹ thuật do vấn đề tiêu chí qui định. Các thủ tục hỗ trợ, thanh toán còn phức tạp. Nhiều hộ dân đăng ký mua trâu, bò đực giống; gà, vịt hậu bị nhưng khi thực hiện lại không có kinh phí đối ứng. Vấn đề về thú y chưa được đề cập nhiều.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng phát triển chăn nuôi nông hộ sẽ còn chiếm vị thế quan trọng trong thời gian tới, do vậy cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Thay đổi phương thức sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Đề nghị Cục Chăn nuôi tham mưu tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Tại Hậu Giang, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đa số là nuôi dạng hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún, đối tượng nuôi chính là heo, gà, vịt, trâu, bò. Thực hiện nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính Phủ, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ con giống trâu, bò, heo đực giống và gà, vịt hậu bị; hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ thụ tinh nhân tạo trên heo… Tổng kinh phí đã hỗ trợ trên 160 triệu đồng.

Tin, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>